Hợp tác chống Covid-19 giúp hóa giải căng thẳng biên giới Trung - Ấn?
Hợp tác chống dịch Covid-19 có thể là nhân tố hóa giải căng thẳng tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong bối cảnh, căng thẳng biên giới Trung - Ấn hiện ở mức cao nhất trong 50 năm qua, khả năng hợp tác cùng đối phó dịch Covid-19 giữa hai nước cũng bị ảnh hưởng trong khi dịch bệnh đang được xem là nhân tố có thể giúp Trung - Ấn khôi phục quan hệ.
Hôm 5/7, quân đội Trung - Ấn đã đồng thuận rút quân khỏi vùng biên giới tranh chấp Himalaya. Song cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ trong vụ đụng độ ở thung lũng Galwan hôm 15/6 đã khiến làn sóng phản đối Trung Quốc ở Ấn Độ bị thổi bùng. Chính lời kêu gọi tẩy chay toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc đã khiến chính phủ Ấn Độ quyết định cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc.
Hợp tác đối phó Covid-19 có thể là giải pháp giúp hạ nhiệt căng thẳng biên giới Trung - Ấn. (Ảnh: PTI) |
Dù áp dụng các biện pháp phong tỏa mà Trung Quốc từng thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng số ca mới mắc Covid-19 tại Ấn Độ vẫn không ngừng gia tăng. Theo đó, Ấn Độ đã vượt Nga trở thành quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về số ca mắc Covid-19 nhiều nhất với con số hơn 687.000 trường hợp.
“Tôi cho rằng, Trung - Ấn cần tìm ra các kênh đối thoại khác không liên quan tới chính trị để bắt đầu quan hệ hợp tác. Bộ Ngoại giao hai nước có thể kêu gọi hợp tác y tế cộng đồng với tinh thần nhân đạo”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, ông Niu Haibin.
Cũng theo ông Niu, cuộc chiến kiềm chế dịch Covid-19 tại Ấn Độ có thể là cơ hội trao cho các nhà ngoại giao Trung Quốc để chèo lái quan hệ hai nước theo chiều hướng tích cực.
“Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ có thể đưa ra tuyên bố về việc nước này quan tâm tới tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ như thế nào và đề nghị hỗ trợ”, ông Niu nói.
Hợp tác lâu dài đối phó dịch Covid-19 và các dịch bệnh tiềm tàng có thể nằm trong chương trình thảo luận đa phương mà điển hình như diễn đàn BRICS với các nước thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
“Hợp tác của BRICS trong đại dịch đặc biệt là vấn đề khôi phục kinh tế sau dịch bệnh là cơ hội lớn nhất trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới toàn bộ các quốc gia thành viên của BRICS”, ông Niu cho hay.
Song theo ông Niu, điều đáng nói là các quốc gia thành viên trong nhóm BRICS lại có những ưu tiên khác nhau. Điển hình, Brazil đang ưu tiên phục hồi kinh tế trong nước, chứ không quan tâm tới việc kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.
Trên thực tế, 3/5 thành viên của BRICS đang nằm trong Top 5 quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc Covid-19 với Brazil đứng thứ 2, Ấn Độ thứ 3 và Nga thứ 4.
Phó Giáo sư Rajan Kumar tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi cho rằng, “sự tin tưởng lớn” mà Ấn Độ dành cho Nga cũng như các mối quan hệ tốt đẹp giữa Brazil và Nam Phi cho thấy nhóm BRICS có khả năng đưa Trung - Ấn xích lại gần nhau ngay cả khi bất đồng về biên giới giữa hai quốc gia này vẫn tồn tại.
Song theo ông Kumar, áp lực từ dư luận Ấn Độ có thể khiến chính phủ nước này từ chối sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc.
“Trước những tư tưởng thù địch chống lại Trung Quốc, tôi cho rằng sẽ không có mối quan hệ hợp tác song phương Trung - Ấn ngay cả liên quan tới dịch Covid-19”, ông Kumar cho hay.
Trước khi xung đột biên giới Trung - Ấn bùng phát, Ấn Độ từng nhập khẩu các mặt hàng như khẩu trang, kit xét nghiệm và đồ bảo hộ cá nhân (PPE) từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hồi tháng Tư, các cơ quan y tế Ấn Độ cho biết bộ kit xét nghiệm Covid-19 mà 2 công ty Trung Quốc cung cấp là không đáng tin cậy.
Về phần mình, Thủ tướng Narendra Modi cũng đã nhấn mạnh rằng, Ấn Độ cần tăng cường tự sản xuất khẩu trang và PPE thay vì nhập khẩu.
Giáo sư Li Xing tại Đại học Aalborg ở Đan Mạch nhận định, Covid-19 có thể là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ thay vì là giải pháp hàn gắn quan hệ.
Nhưng theo ông Li, vắc-xin Covid-19 có thể trở thành nhân tố làm thay đổi quan hệ Trung - Ấn. Nếu như vắc-xin do Trung Quốc sản xuất có thể giúp Ấn Độ xóa bỏ cuộc khủng hoảng Covid-19, tất cả mối quan hệ hai bên sẽ đều có lợi.
“Một khi Trung Quốc tìm ra vắc-xin và sản xuất được, còn Ấn Độ hạ bớt chủ nghĩa dân tộc và nghĩ về lợi ích quốc gia, New Delhi có thể sẽ hợp tác với Bắc Kinh”, ông Li chia sẻ.
Dàn tiêm kích và trực thăng Ấn Độ áp sát biên giới Trung Quốc
Tiêm kích Su-30MKI cùng trực thăng Apache của không quân Ấn Độ thực hiện các chuyến bay sát biên giới Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)