Hôn mê, ngừng tim phải hồi sức tích cực suốt 5 ngày vì điện giật, bác sĩ chỉ cách sơ cứu ai cũng cần nhớ
Khi phát hiện người bị điện giật, điều quan trọng nhất là cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng cách cắt cầu dao điện.
Anh N.V.N 34 tuổi, bị điện giật, ngất xỉu, hôn mê và sau đó là 2 lần ngưng tim. Các bác sĩ đã phải hồi sức tích cực suốt 5 ngày mới cứu được bệnh nhân.
Trước đó, vào 13 giờ 30 phút ngày 19/05/2022, anh N.V.N 34 tuổi bị điện giật, ngất trong quá trình làm việc tại công trường. Người bệnh được nhập viện tại cơ sở y tế trên địa bàn quận Phú Nhuận trong tình trạng ngưng tim, tím tái.
Tại đây người bệnh được xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện 3 lần, chích 6 ống Adrenalin (một loại thuốc được dùng nhiều trong hồi sức và cấp cứu). Sau khi tim đập lại, người bệnh ngay lập tức được chuyển đến bệnh viện Nhân dân Gia định,TP.HCM.
14 giờ 22 phút cùng ngày, tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia định, người bệnh lại rơi vào tình trạng nguy kịch - ngưng tim lần 2. Màn hình monitor ghi nhận người bệnh có rung thất - đây là một rối loạn nhịp có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Các bác sỹ khẩn trương sốc điện khử rung thất 2 lần và xoa bóp tim ngoài lồng ngực đến khi anh N.V.N có nhịp tim đập lại.
15 giờ 25 phút người bệnh được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc. Tại đây, người bệnh được thở máy, ngay lập tức chỉ định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. 17 giờ 15 phút tức là chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ kể từ thời điểm người bệnh được nhập khoa cấp cứu, anh N.V.N đã được kiểm soát thân nhiệt mục tiêu.
Bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu thành công. |
Sau 24 tiếng duy trì nhiệt độ trên, nhiệt độ cơ thể bệnh nhân được nâng dần 0,25 độ C mỗi giờ cho đến khi đạt 37 độ C.
Theo bác sĩ Huỳnh Bá Tản – Trung tâm cấp cứu 115 TP.Hồ Chí Minh, hiện nay đã vào mùa mưa, mọi người càng nên cẩn thận phòng ngừa tai nạn điện giật tại các công trình xây dựng và nhà ở.
Đặc điểm các công trình xây dựng dân dụng và nhà ở nên cẩn thận máy móc đồ điện ngoài trời, các đường dây điện băng ngang công trình hoặc đi âm dưới đất, đặc biệt lưu ý các loại máy động cơ điện cầm tay hoặc máy cưa máy cắt nên để nơi khô ráo hoặc có mái che chắn mưa, các ổ cắm điện hoặc dây nối dài nguồn điện phải được cách nước cách điện thật tốt.
Sàn mặt bằng công trường cũng không được để đọng nước hoặc nếu cần phải lót bằng những tấm nhựa pallet thành đường đi hay nơi đứng tạm để công nhân thi công. Giàn giáo sắt không nên cột dây kẽm vào cột điện.Và bắt buộc cầu dao điện tổng phải đặt ở nơi thuận tiện nhất để khi có sự cố điện giật xảy ra thì bất cứ ai gần đó cũng có thể ngắt cầu dao điện.
Khi có tai nạn điện giật, ai phát hiện đầu tiên hãy lớn tiếng kêu có người bị điện giật, ngắt cầu dao điện.
Sau khi đã ngắt cầu dao điện để hiện trường nơi xảy ra tai nạn được an toàn, dùng gậy gỗ hay vật cách điện để cách ly nguồn chạm điện với nạn nhân cho dù đã ngắt cầu dao tổng, sau đó nhanh chóng đặt nạn nhân lên mặt phẳng khô ráo bất kỳ, kiểm tra bệnh nhân tỉnh hay mê, bắt tìm mạch cảnh và nhìn tìm hơi thở của nạn nhân.
Nếu không thấy thở hãy khẩn trương tiến hành ngay lập tức ấn tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân, ấn liên tục 100-120 lần/phút, duy trì cho đến khi nạn nhân có lại mạch cảnh và đợi xe cấp cứu 115 đến hiện trường nơi xảy ra tai nạn điện giật
BS Tản cho biết tuyệt đối không hấp tấp di chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường khi chưa được hồi sinh tim phổi thành công (nạn nhân đã tự thở lại, sờ thấy được mạch cảnh) bởi việc ấn tim ngoài lồng ngực ngay lập tức và liên tục mới có cơ hội cứu sống nạn nhân bị ngưng tim do điện giật ngay tại hiện trường.
Hãy bấm gọi điện thoại số 115 từ máy di động hay máy bàn (không cần bấm thêm mã vùng) để được các điều phối viên cấp cứu thường trực 24/24 Tổng đài Điều hành Cấp cứu 115 hướng dẫn và điều xe cứu thương 115 đến hiện trường cứu nạn nhân – BS Tản lưu ý.
K.Chi