Hội đồng trường sẽ quyết định nhân sự từ Hiệu trưởng trở xuống
GS.TS. Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, có thể nói, Luật GDĐH tiếp tục thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về việc phân quyền triệt để từ cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản, trao quyền tự chủ cho các trường ĐH.
Với những điều khoản đã được thông qua, “sân chơi” và sự cạnh tranh của các trường ĐH trong nước và các phân hiệu trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam bình đẳng hơn.
Trước đây có nhiều nhóm trường với các mức tự chủ rất khác nhau như: các trường thực hiện Nghị quyết 77 về đổi mới cơ chế quản lý; các trường ĐH xuất sắc (như Trường ĐH Việt Đức, Việt Pháp, Việt Nhật) với quy chế do Thủ tướng ban hành, các trường trong các ĐH Quốc gia; các trường thuộc các bộ, các tỉnh thành.
Ngoài ra là các trường quốc tế như kiểu RMIT của Australia. Chính sự khác biệt về mức độ tự chủ này tạo ra sự cạnh tranh chưa thật công bằng. Việc ban hành luật sửa đổi góp phần giải quyết căn bản điều này.
Có thể nói, luật sửa đổi này đã tháo gỡ nhiều rào cản cho sự phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội cho các trường ĐH của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc mở rộng quyền tự chủ cũng sẽ giúp các trường ĐH phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong việc đào tạo, nghiên cứu và đóng góp cộng đồng.
Tuy nhiên, các vấn đề của tự chủ ĐH lại không chỉ được quy định riêng trong luật giáo dục ĐH mà còn bị chi phối bởi nhiều luật hoặc các quy định pháp luật khác nữa. Thí dụ, với một trường ĐH công lập, vấn đề tuyển dụng, sử dụng nhân lực còn phải theo Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Vấn đề ngân sách, tài sản Nhà trường còn phải tuân thủ Luật ngân sách, Luật đầu tư công. Chính vì vậy, cần có sự điều chỉnh các luật tương ứng, hoặc cần có thêm hướng dẫn, về cơ chế giải quyết những xung đột trong các quy định thì việc “cởi trói” sẽ thực sự hiệu quả.
GS. Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Năm 2014, Chính phủ đã có nghị quyết 77 về đổi mới cơ chế quản lý. Trên cơ sở Nghị quyết này, có 23 trường đã thí điểm thực hiện quyền tự chủ, đổi mới cơ chế tổ chức hoạt động.
Khi Luật này có hiệu lực, hầu hết những điều, những nội dung thí điểm trong Nghị quyết 77 nay được luật hóa. Như vậy, khi luật ra đời, các trường đã được thí điểm trước, đã có thời gian, có kinh nghiệm. Đây chính là thuận lợi đầu tiên.
Theo luật mới, hầu hết các nội dung về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có mức tự chủ rất cao, Nhà nước chỉ còn kiểm soát khá chặt việc mở ngành, liên kết đào tạo nhưng với những trường đã được kiểm định về cơ sở đào tạo, kiểm định chương trình tốt, các điều kiện sẽ mở dần ra, rất thuận lợi.
Về mặt tổ chức và nhân sự, nếu như trước kia, cơ cấu tổ chức hoạt động, việc bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường được quy định rất rõ trong điều lệ trường ĐH thì bây giờ việc này đưa về các trường, các trường sẽ quy định rõ hơn ở trong quy chế tổ chức hoạt động của mình, như vậy sẽ phù hợp với đặc điểm của từng trường, đồng thời các trường cũng sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức, quy trình lựa chọn Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng làm sao cho phù hợp nhất với trường mình.
Theo luật, Hội đồng trường sẽ quyết định nhân sự Hiệu trưởng rồi trình cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo để công nhận. Đây là thay đổi rất lớn!
Về cơ cấu tổ chức bên trong, các trường xây dựng mô hình về sau phát triển mô hình ĐH có các trường bên trong hay việc ở trong trường thì tổ chức các đơn vị như thế nào, các vị trí quản lý ra sao… thì Luật cũng đã cho phép. Đây là điều rất thuận lợi bởi vì muốn đổi mới gì thì cơ cấu tổ chức hoạt động cũng như đội ngũ lãnh đạo quản lý là hết sức quan trọng.
Về mặt tài chính - tài sản, Luật cũng nêu rõ các quyền mở rộng mà trường được thực hiện như: học phí, quyết định các dự án đầu tư sử dụng kinh phí từ hoạt động của trường... Tất nhiên, phần này vẫn phải theo các luật khác chứ không phải Luật GDĐH bao quát hết được.
Tóm lại là khi Luật có hiệu lực, các trường có một khung pháp lý rất rõ để có thể phát huy được quyền chủ động của mình, phát huy được hết nội lực cũng như có điều kiện để thu hút nguồn lực từ bên ngoài.
"Chúng tôi nghĩ rằng chưa nói đến luật khác, những gì có thể mở rộng được trong phạm vi khuôn khổ của 1 luật chuyên ngành thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH cũng đã mở ra quyền tự chủ rất cao và cũng khá chặt chẽ để đảm bảo các trường thực hiện quyền tự chủ cho mình, đồng thời vẫn đảm bảo được tính trách nhiệm xã hội và giải trình với xã hội chứ không phải là mở ra một cách tự do", GS Hoàng Minh Sơn đánh giá.