Học sinh tiểu học kể về anh trai mê hát, đọc hai câu chốt dân tình cười 3 ngày chưa tỉnh
Lời lẽ vừa chân thật kết hợp với chút hài hước bá đạo của cô em gái khiến anh trai được tả trong bài văn cũng phải... đứng hình.
Ông, bà, bố, mẹ, anh, chị... thường là đề tài quen thuộc cho các em tiểu học tập làm văn. Nhưng tất nhiên, không phải ai được may mắn đi vào "tác phẩm văn chương" của học sinh tiểu học cũng hiện lên với muôn vàn câu từ lung linh bay bổng. Có những bài văn tả thật đến bá đạo khi những đứa trẻ được thầy cô yêu cầu kể về người thân của mình. Qua ánh nhìn của chúng, người lớn được nhiều phen ôm bụng cười và cảm thấy bản thân như trẻ lại.
Hẳn bạn còn nhớ những dòng văn "bóc phốt" mẹ từng gây bão mạng này: "Mẹ em tên đầy đủ là A, dáng mẹ gầy, mắt đen, răng mẹ em trắng, tóc mẹ dài thơm. Mẹ em đã đeo kính. Mẹ em thích mua đồ như váy, áo cho em của em và em, mua guốc, giày, mĩ phẩm. Mẹ thích ăn mặc diện, mẹ em thích ăn món như rau, quả nhập khẩu, nước ấm với mật ong, bưởi" hay "Ở nhà bố cãi mẹ như chém chả. Bố cũng nấu cơm giúp mẹ. Ăn xong bố cũng thích rửa bát. Bố trồng một vườn hoa hồng rất đẹp để tặng mẹ. Bố bảo mẹ em phúc mười đời mới lấy được bố"...
Bài văn tả anh trai dưới đây cũng vậy. Anh người ta thì gương mặt đẹp trai, giọng hơi khàn, khá trầm nhưng lại đem đến cho người khác cảm giác ấm áp... Anh trai của em học sinh này giọng đã không hay còn thích... hát, hát mọi lúc mọi nơi, trở thành nỗi... khiếp đảm của cả gia đình. Thậm chí có một người bác còn không chịu nổi, làm thơ chỉ để miêu tả giọng ca "trời phú" này.
Em này viết: "Anh Quang lúc nào cũng hát. Lúc tắm, lúc học bài ngay cả lúc giặt quần áo, rửa bát hay đi vệ sinh, cho thấy anh Quang rất thích việc hát, và chắc lớn lên anh ấy muốn trở thành ca sĩ. Nhưng em biết là anh Quang có một giọng hát như bò rống ai trong nhà cũng phải chịu giọng hát kinh khủng của anh ấy. Bác em nói giọng hát của anh Quang như: Hát cho chó cắn mèo kêu/Hát cho ông lão trong lều chui ra".
Lời lẽ vừa chân thật kết hợp với trí tưởng tượng "bay cao bay xa" khiến anh trai được tả trong bài văn cũng phải... đứng hình. Có đứa em đáng đồng tiền bát gạo, "bóc" anh không nể chút nào. Tuy nhân vật chính thì "than thở" là vậy nhưng nhiều dân mạng khác lại đưa ra nhận xét đầy tích cực:
- Bọn trẻ rất hồn nhiên, tả thực luôn chứ ạ, đúng là trang giấy trắng. Con mình viết văn kể về lớp học, nó viết lớp em có 25 bạn sau đó liệt kê đủ tên của 25 bạn. Và kết luận em rất yêu lớp em.
- Đôi khi tập trung chấm bài căng thẳng đọc được một câu trả lời đúng kiểu con nít, mình bật cười rồi cũng hết mệt luôn. Tất nhiên có những kiến thức mình phải giảng lại cho học sinh hiểu sau đó, nhưng cũng có những đáp án vốn dĩ không có gì sai thì mình vẫn để nguyên vì tôn trọng suy nghĩ và sự sáng tạo của học sinh.
- Con mình lớp 2 cũng vậy, toàn thấy tả anh trai. Lời văn các con đơn giản và ngây ngô lắm, đọc mà cười khằng khặc.
- Con em tả gia đình: Mẹ em năm nay 47 tuổi (đúng là 37 tuổi), ba em 37 tuổi (đúng là 47 tuổi). Gia đình em sống không hạnh phúc vì mẹ em hay la em và ba em. Nhà em mẹ em là đại ca, em với ba là sợ mẹ nhất... Em muốn xỉu.
Thực tế những đứa trẻ tưởng vô tư ít để ý nhưng mọi chuyện xảy ra trong gia đình đều được chiếc "camera chạy bằng cơm" này thu nạp hết. Đôi khi trong nhà có bao chuyện từ hài hước đến xấu hổ, trẻ đều lôi ra kể tuốt tuồn tuột, không sót một chi tiết nào.
Không rập khuôn theo văn mẫu, học sinh tiểu học này viết bài bằng sự ngây thơ vốn có của mình. Điều đó khiến cho người lớn rất thích thú.
Bài văn tả bố của học sinh tiểu học: Có sức mạnh như 'siêu nhân' nhưng vẫn phải sợ 'thế lực' này
Hình ảnh người bố hiện lên đích thị là “ông bố quốc dân”, việc gì cũng làm được.
Theo ttvn.toquoc.vn