Học sinh miền Trung nghỉ học dài do lũ: Phải dạy bù, điều chỉnh kế hoạch dạy học
“Do bão lũ ở các tỉnh miền Trung, có địa phương học sinh đã nghỉ học tới 24 ngày, những địa phương đã sử dụng hết quỹ thời gian dự phòng thì phải tính toán điều chỉnh kế hoạch dạy học”, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học tại miền Trung học sinh vẫn chưa thể quay lại trường do ảnh hưởng của bão lũ, có những trường đã nghỉ đến cả 24 buổi học trong khi chương trình năm học chỉ có 2 tuần học dự phòng.
Vậy, các trường miền Trung sẽ phải sắp xếp kế hoạch dạy học thế nào để đảm bảo kết thúc năm học đúng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, liệu có phải lùi thời gian năm học?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Các địa phương phải căn cứ khung thời gian năm học, cộng thời gian thực tế học sinh đã nghỉ học để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường, cũng như tổ chức dạy bù cho học sinh”.
Theo ông Thành, kế hoạch dạy bù cần tính toán phù hợp để tránh trình trạng học dồn ép, đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ. Các trường cũng cần xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục linh hoạt, không gây quá tải cho học sinh.
Sau bão lũ, nhiều nơi học sinh chưa thể đi học trở lại |
Chương trình khung kế hoạch năm học mà Bộ đã ban hành có 2 tuần dự phòng cho các trường hợp bất thường xảy ra như thiên tai, dịch bệnh.
"Với những địa phương đã sử dụng hết quỹ thời gian dự phòng mà vẫn chưa đủ thời gian để học sinh nghỉ học ở nhà chống lũ thì phải tính toán điều chỉnh kế hoạch dạy học.
Những nội dung bài học thực hiện ngoài khuôn viên nhà trường thì có thể hướng dẫn các em thông qua internet, trên truyền hình tương tự thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19. Như vậy, kế hoạch chương trình và kiến thức của học sinh vẫn được đảm bảo”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, các trường vận dụng chỉ đạo năm học của Bộ GD&ĐT về việc giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục; linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục không chỉ trong lớp học mà có thể thực hiện cả ngoài giờ lên lớp, trong phòng thí nghiệm, làm dự án học tập.
Theo đó, bão lũ từ ngày 6 đến 29.10 đã làm các trường học miền Trung thiệt hại hơn 600 tỉ đồng, 13 học sinh, cán bộ quản lý thiệt mạng.
100% học sinh của Quảng Bình phải nghỉ học; 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập; tổng thiệt hại ban đầu 382 tỉ đồng.
Quảng Trị bị ảnh hưởng lớn thứ hai, ước tính khoảng 80 tỉ đồng. Đây là địa phương có nhiều học sinh thiệt mạng nhất: một em bị đuối nước, ba em bị vùi lấp cùng một cán bộ quản lý. Hai tỉnh khác cũng có học sinh bị đuối nước là Quảng Bình (3 em), Quảng Nam (3 em), Hà Tĩnh (2 em).
Quảng Bình với 334 trường bị ảnh hưởng, Hà Tĩnh cũng có tới 150 trường bị ngập, trong đó 69 trường ngập sâu; Quảng Trị có 200 trường với hơn 300 điểm trường ngập.
Theo tình hình hiện tại, hầu hết học sinh các tỉnh trên bị thiếu sách vở và đồ dùng học tập.
Hoàng Thanh