Học phí ngành Y: 68 triệu/năm trường vẫn lỗ, giảng viên giỏi "dọa" ra đi
Hiệu trưởng ĐH Y Dược nói với mức học phí 68 triệu đồng/năm trường còn chưa tính đủ chi phí, vẫn lỗ. Trong khi Hiệu trưởng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cho biết trường tư trả lương gấp 10 lần, giảng viên giỏi nói thẳng tình hình này, họ sẽ đi.
Tại hội nghị hội đồng hiệu trưởng khối ngành đào tạo sức khỏe năm 2020, Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM lý giải mức học phí tăng thì cả sinh viên, hệ thống giáo dục và xã hội đều hưởng lợi.
Theo đó, PGS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết thời gian qua, nhà trường đã công bố đề án tuyển sinh và mức học phí dự kiến thu trong năm học tới.
Ảnh minh họa |
Mức học phí một số ngành tăng mạnh như Răng - Hàm - Mặt 70 triệu đồng/năm, Y khoa 68 triệu đồng/năm khiến dư luận có nhiều phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, đây không phải mức học phí “khủng” vì thực tế trường vẫn chưa tính đúng, đủ mức phí đào tạo. Thực tế với mức học phí này, trường vẫn còn phải bù lỗ.
Theo ông Tuấn, đó là chi phí cần thiết để đào tạo sinh viên. Chất lượng đào tạo và trải nghiệm của sinh viên khi học ở trường là cốt lõi để trường xây dựng học phí như vậy.
Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM lý giải mức học phí tăng, cả sinh viên, hệ thống giáo dục và xã hội đều hưởng lợi. Xã hội sẽ có những bác sĩ giỏi thực sự, người học sẽ có những trải nghiệm xứng đáng mà mình mong muốn.
Tại ĐH Y Dược TP.HCM sinh viên được nhiều trải nghiệm như lớp học nhóm nhỏ, trung tâm mô phỏng số 1 Việt Nam, chương trình đào tạo phối hợp với Trường Y Havard xây dựng, đội ngũ giảng viên khá hùng hậu… Người học sẽ hưởng hơn cả những gì họ bỏ ra.
Ông Tuấn cho rằng: “Chúng ta ai cũng mong muốn trường đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng với mức học phí quá thấp, các trường không thể đào tạo được nhân lực bậc cao, có năng lực cạnh tranh trong khu vực và hội nhập quốc tế. Điều này đồng nghĩa việc các trường tăng học phí, đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ có lợi cho nền kinh tế quốc dân”.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết thời gian qua trường cố gắng giữ chân được giảng viên nhưng với tình hình hiện nay, việc này sẽ càng khó khăn hơn.
“Đào tạo khối ngành sức khỏe phải tốn chi phí gấp 3-4 lần những ngành khác. Nhưng dự kiến năm tới, trường tôi cũng chỉ dám thu 32 triệu đồng/năm. Nếu vẫn cứ tái diễn tình trạng này, rất khó đào tạo bác sĩ chất lượng cao. Các trường công cũng khó giữ chân giảng viên. Trong khi đó, các trường tư sẵn sàng trả mức lương gấp 10 lần để lôi kéo giảng viên giỏi. Giảng viên đã nói thẳng với tình hình này, họ sẽ đi.
Nếu không giữ chân được giảng viên giỏi hoặc những giảng viên có học hàm, học vị, trường sẽ đối diện nguy cơ mất mã ngành đào tạo”, PGS.TS Ngô Minh Xuân cho hay.
Tại hội nghị, đa số các hiệu trưởng trường y dược đều cho rằng, học phí thấp khiến các trường khó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và đó là bước lùi đối với đào tạo y khoa của Việt Nam. Còn việc xã hội băn khoăn người nghèo học giỏi muốn cơ hội học tập để trở thành thầy thuốc, các trường đều khẳng định đã có chính sách học bổng để giúp sinh viên nghèo vẫn theo học được.
Hoàng Thanh