Hóc đồng xu, hạt, uống nhầm rượu, dầu... ngày Tết, cảnh báo cha mẹ để mắt trẻ nhỏ
Theo BS Nguyễn Cát Phương Vũ – Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày qua các bác sĩ của bệnh viện liên tiếp cấp cứu các trường hợp bệnh nhi bị tai nạn trong dịp Tết.
Các tai nạn hay gặp trong dịp Tết như trẻ nuốt đồng xu dị vật thực quản, ngã mương nước phù phổi nặng, trẻ bị ngã lầu ngưng thở phải hồi sức ấn tim phổi.
Bé trai 5 tuổi ngậm chơi đồng xu rồi hóc, nuốt nghẹn vào cổ họng khi đang chạy nô đùa cùng các bạn cùng trang lứa đi mừng tuổi. Ba mẹ vội đưa con đến Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố cấp cứu khi trẻ ôm cổ họng nghẹn ho sặc sụa liên tục.
BS CK1 Lê Đức Lộc trưởng ekip nội soi gắp dị vật cho biết, bé hóc nghẹn sẽ khó thở nguy kịch nếu mắc kẹt ở ngã ba hầu họng và đường thở. Nếu mắc đường tiêu hoá không đươc xử lý đúng và kịp thời, bệnh nhi sẽ bị nhiễm loét, rò thủng thực quản và viêm loét dạ dày với nhiều hệ lụy khó lường hoặc Nguy hiểm hơn, lâu ngày sẽ làm tổn thương, thậm chí là thủng thực quản dạ dày.
Trẻ em do nhiều yếu tố chủ quan, hay khách quan, thường bị hóc dị vật thực quản dạ dày với triệu chứng như đau họng, vướng ở họng, đau vùng ngực, đau bụng... có thể có các trường hợp đau ở dạ dày, dễ gây nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày thông thường. Khi bị hóc dị vật, ngoài biết cách sơ cứu đúng (Heimlich, vỗ lưng ấn ngực..) và kịp thời và cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách.
Các bác sĩ phẫu thuật xuyên Tết để cấp cứu bệnh nhi bị tai nạn. |
Ngoài ra, bác sĩ Vũ cho biết còn có nhiều ca ngộ độc uống nhầm xăng rượu, bỏng nước sôi, hóc nghẹn đậu hạt, rối loạn tiêu hoá ói mửa tiêu chảy ra vào liên tục, chưa có dấu hiệu ngừng lại...
Bác sĩ Vũ khuyến cáo các gia đình hết sức cảnh giác phòng ngừa tai nạn cho trẻ trong dịp Tết.
Có trường trẻ nhỏ dưới 3 tuổi ngậm đũa, muỗng trong lúc ăn và bị ngã khi chạy chơi. Chiếc đũa đâm vào thành sau họng gây xuất huyết sưng nề và tắc nghẽn đường thở, gây suy hô hấp. Một trẻ khác bị vụn chén sứ làm đứt mạch máu lớn, gây sốc mất máu.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến -Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP. HCM cảnh báo phụ huynh cần chú ý những điều sau:
Trẻ có thể bị phỏng do nước sôi: chạm tay, đụng đổ nồi nước sôi, nồi canh, bình trà đang nấu hay để trên bếp, trên bàn. Phỏng do nhang, đèn dầu, đèn cầy thắp khi cúng hay bị phỏng điện do nghịch phá đèn chớp tắt trang trí. Phỏng do bàn ủi khi phụ huynh ủi đồ chuẩn bị mặc đi chơi tết, bất cẩn để nguyên bàn ủi rồi đi làm việc gì khác, trẻ chạy chơi té/đụng trúng.
Trẻ hóc đồng xu. |
Tết là dịp các loại kẹo, hạt được bày sẵn trên bàn. Các bé có thể tự lấy ăn, bỏ vào miệng nuốt, bắt chước người lớn cắn hạt dưa, hạt bí. Nhiều trường hợp bé nuốt, mắc phải các loại hạt này trong đường thở, gây ngạt.
Tai nạn thường xảy ra với các bé nhỏ tuổi, đang chập chững đi. Trong lúc người lớn bận dọn dẹp, sửa soạn chuẩn bị Tết, các bé có thể đi vào phòng tắm, ra sân, bị té chúi đầu vào thau, xô đựng đầy nước đã được hứng sẵn để dọn rửa nhà cửa, sân vườn.
Phụ huynh thường hay đổ dấm, dầu lửa sử dụng trong dịp tết trong các chai nhựa đựng nước. Trẻ rất dễ lầm tưởng đó là chai nước và cầm lên uống phải.
Những ngày tết, trẻ cũng không được ăn uống nề nếp như ngày thường, hay vừa ăn vừa chơi. Nhiều trường hợp trẻ cầm muỗng, đũa ăn và chạy chơi bị té, xốc vào miệng/mũi gây tổn thường vùng hầu họng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyên: “Đối với gia đình có con nhỏ thì nhất thiết phải thiết kế ngôi nhà an toàn thay vì ngôi nhà đẹp, nhà xinh”.
Khánh Chi