Hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông sụt giảm bất thường
Quân đội Mỹ giảm mạnh tần suất hoạt động ở Biển Đông để chuyển sang vùng biển Hoa Đông trong tháng Sáu.
Trong bản báo cáo tháng được Viện Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) mới công bố, quân đội Mỹ đã tiến hành 36 chuyến bay trinh sát ở Biển Đông trong tháng Sáu. Con số này chỉ bằng 1/2 so với số chuyến bay trinh sát mà quân đội Mỹ thực hiện ở Biển Đông vào tháng Năm.
Theo SCSPI, đây là động thái dịch chuyển trọng tâm hoạt động tạm thời của Mỹ từ Biển Đông sang biển Hoa Đông.
Mỹ giảm bớt hoạt động trinh sát ở Biển Đông nhưng lại tăng tần suất xuất hiện trên biển Hoa Đông. (Ảnh: Không quân Mỹ) |
Cụ thể, SCSPI nhấn mạnh ghi nhận số lượng “tăng đáng kể” các chuyến bay trinh sát của Mỹ ở biển Hoa Đông vào tháng Sáu so với những sứ mệnh “lác đác” trong những tháng trước.
Cũng theo SCSPI, 22 máy bay trinh sát cỡ lớn của Mỹ đã làm nhiệm vụ ở biển Hoa Đông bao gồm máy bay cảnh báo sớm E-3B, máy bay trinh sát điện tử RC-135U, máy bay trinh sát không người lái MQ-4C và máy bay trinh sát không người lái RQ-4.
SCSPI cho biết vào ngày 3/6, một chiếc RC-135U của Mỹ đã bay thẳng vào biển Hoa Đông trong vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đơn phương thiết lập. Máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ Kadena ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản và bay về phía biển Hoa Đông trước khi tiến về phía tây hướng tới lãnh thổ Trung Quốc.
Trung Quốc lâu nay đơn phương tuyên bố chủ quyền trên cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong đó, Trung – Nhật đang xảy ra tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ở biển Hoa Đông.
Hồi tháng Hai, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích các hành động của Bắc Kinh gần quần đảo này. Washington nhấn mạnh “ủng hộ” Tokyo trong vấn đề liên quan tới Senkaku/Điếu Ngư.
Còn sau cuộc họp với giới chức chính phủ Nhật Bản, hôm 25/2, các thành viên trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) đã khẳng định Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản có thể nổ súng trực tiếp nhằm vào các tàu thuyền nước ngoài có ý định xâm phạm gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Đây được xem là động thái đáp trả từ phía Nhật Bản sau việc Trung Quốc thông qua bộ luật mới hôm 1/2 nhằm cho phép lực lượng hải cảnh nước này “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” bao gồm vũ khí để chống lại các tổ chức và cá nhân nước ngoài vi phạm cái mà Bắc Kinh gọi là chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia.
SCSPI cho biết thêm, quân đội Mỹ đã triển khai một số sứ mệnh quanh đảo Đài Loan và hoạt động này càng làm gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung.
Trong đó, SCSPI nhấn mạnh việc một máy bay tuần tra chống ngầm P-8A của hải quân Mỹ cất cánh từ Okinawa và bay qua eo biển Đài Loan từ phía bắc sang phía nam là lần đầu tiên một sứ mệnh như vậy được tiến hành, kể từ khi một chiếc P-8A được triển khai tới khu vực Tây Thái Bình Dương vào năm 2013.
Chưa hết, SCSPI còn nhắc lại việc lần đầu tiên một chiếc C-17A hạ cánh xuống Đài Loan vào ngày 6/6 chở theo 3 Thượng nghị sĩ Mỹ, thay vì một máy bay dân sự như những lần quan chức Mỹ tới Đài Loan trước đây. Theo SCSPI, hành động của Mỹ càng làm gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan.
Thậm chí, vào ngày 7/6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc sự xuất hiện của máy bay C-17A là hành động “khiêu khích chính trị xấu xa”. Tiếp đó, tới ngày 8/6, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận đổ bộ ở khu vực bờ biển phía đông nam nước này.
Cũng trong tháng Sáu, một ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ tiến hành tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc đã điều động số lượng máy bay quân sự kỷ lục lên tới 28 chiếc tới Đài Loan.
Cũng theo SCSPI, sự sụt giảm tần suất hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông một phần do đợt tập trận quân sự quy mô lớn của Nga ở ngoài bờ biển Hawaii vào giữa tháng Sáu và khiến lực lượng trinh sát Mỹ bị phân tán hoạt động.
Giới chức Nga đã gọi đây là cuộc tập trận lớn nhất ở Thái Bình Dương kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đáng nói, đợt diễn tập diễn ra trước thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp mặt.
Vào thời điểm này, các quan chức quân sự Mỹ cho hay 3 chiến đấu cơ F-22 xuất phát từ Honolulu đã thực hiện “tuần tra trên không bất thường” ở khu vực Nga tập trận.
Thực hư Mỹ - Nhật 'bí mật' chuẩn bị kế hoạch bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc?
Quân đội Mỹ - Nhật được cho đã bí mật lên phương án bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công.
Minh Thu (lược dịch)