Hoài Linh 'ngâm' 14 tỷ: Không biết tiền đi đâu, người gửi tiền đã sai ngay từ đầu?
Sau câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh “ngâm” gần 14 tỷ đồng tiền từ thiện suốt 6 tháng, nhiều người đã hoài nghi 'các bạn có thấy sai khi gửi quá nhiều tiền vào một tài khoản cá nhân nghệ sĩ rồi không quan tâm kết quả từ thiện không'?
Những ngày vừa qua, NSƯT Hoài Linh gây chú ý bởi sự việc sau 6 tháng kêu gọi mạnh thường quân vẫn chưa giải ngân gần 14 tỷ đồng tiền ủng hộ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng lũ lụt. Trước những ý kiến trái chiều, nghệ sĩ Hoài Linh đưa lý do là vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể thực hiện chuyến đi thiện nguyện ở miền Trung, đồng thời hứa hẹn trong thời gian sắp tới sẽ hoàn thành sứ mệnh này.
Nghệ sĩ Hoài Linh đang liên quan tới vụ lùm xùm "ngâm" gần 14 tỷ đồng tiền từ thiện cộng đồng ủng hộ miền Trung |
Danh hài Hoài Linh không phải là nghệ sĩ đầu tiên gặp điều tiếng khi đứng ra kêu gọi từ thiện, ủng hộ cho những mảnh đời khó khăn. Sau những lùm xùm này, liệu uy tín của nghệ sĩ có còn giữ được?
Ngoài cách gửi tiền ủng hộ qua nghệ sĩ thì hiện nay những người làm từ thiện đang như thế nào.
Có nên chọn cách gửi tiền qua nghệ sĩ để làm từ thiện?
Chị Lê Hồng (kinh doanh tại TP. Thanh Hoá) cho biết, những ngày qua rất nhiều người theo dõi thông tin nghệ sĩ Hoài Linh bị “tố” ngâm số tiền từ thiện gần 14 tỷ đồng, trong đó có chị.
“Đối với tôi, khi làm từ thiện tôi thường hay chuyển tiền vào những quỹ của các cơ quan, tổ chức Nhà nước,… chứ không chuyển vào tài khoản cá nhân nghệ sĩ, bởi vì thời gian vừa qua có không ít những lùm xùm tiền từ thiện liên quan tới nghệ sĩ.
Ngoài ra, tôi kinh doanh ở gần bệnh viện, cũng hay gặp những hoàn cảnh khó khăn đến mua hàng thì sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình, có thể đó chỉ là một cốc cháo nhưng cũng ấm áp, nghĩa tình… Tôi nghĩ đó cũng chính là cách từ thiện rồi!”, chị Lê Hồng chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, chị Đỗ Hoa (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho hay: "Tôi hay theo dõi báo đài về những hoàn cảnh khó khăn. Nhìn các vụ thị phi liên quan tới nghệ sĩ làm từ thiện, tôi lại thấy mình đúng đắn khi gửi luôn tiền vào tài khoản người đang cần giúp đỡ hoặc ủng hộ qua cơ quan, tổ chức chuyên trách.
Dù sao nghệ sĩ sẽ chỉ làm tốt nhất nghề nghiệp của họ, việc làm từ thiện nên để cho các tổ chức chuyên nghiệp.
Các bạn có thấy sai khi gửi quá nhiều tiền vào một tài khoản cá nhân nghệ sĩ rồi không quan tâm kết quả từ thiện không?
Cũng có lần tôi đóng góp và trực tiếp tham gia cùng 1 nhóm thiện nguyện mua chăn chiếu gửi lên cho học sinh một trường tiểu học vùng cao. Như vậy tôi thấy ngay tiền của mình đã được làm việc gì và đi tới đâu”.
Ở một góc nhìn khác, anh Nguyễn Thành Long (Chủ nhiệm CLB SVTN Bước xanh - ĐH Văn hoá Hà Nội) cho rằng, chúng ta không thể phủ nhận rằng những nghệ sĩ với sự ảnh hưởng của họ sẽ kêu gọi được một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn các tổ chức từ thiện rất nhiều.
“Thế nhưng để minh bạch, các nghệ sĩ khi tiến hành giải ngân quỹ từ thiện cần có sự tham gia của bên thứ ba. Bên thứ ba này sẽ phụ trách những công việc như đứng ra tổ chức tiếp nhận tài sản từ thiện hay phân phối tài sản từ thiện,…
Họ sẽ cùng với nghệ sĩ, với chính quyền địa phương trở thành thế kiềng ba chân, vừa giám sát hoạt động từ thiện vừa đem lại hiệu quả công việc cao hơn rất nhiều!”, anhNguyễn Thành Long nêu ý kiến.
Anh Nguyễn Thành Long (Chủ nhiệm CLB SVTN Bước xanh, ĐH Văn Hoá Hà Nội) đứng thứ 2 từ trái sang phải. |
Nói về việc cá nhân kêu gọi từ thiện, chị Nguyễn Tâm (công tác tại 1 tờ báo điện tử) cho rằng, bất cứ ai dù là nghệ sĩ, người nổi tiếng hay là một người bình thường khi đứng lên kêu gọi từ thiện thì hãy làm từ cái tâm, từ đó sẽ giúp đỡ được cho những mảnh đời còn khó khăn hơn.
“Tôi thấy làm từ thiện có nhiều hình thức khác nhau, người thì dùng hành động, người thì dùng tiền, người đứng ra kêu gọi, người quyên góp quần áo hay vật phẩm,... tất cả đều đáng quý và xứng đáng được trân trọng" – chị Tâm nói.
Bản thân là một nhà báo từng chứng kiến, đưa tin và viết những bài phản ánh xoay quanh vấn đề từ thiện, chị Tâm khẳng định, minh bạch thu chi chính là yếu tố cần và đủ cho mỗi chuyến từ thiện.
“Điều đáng nói nhất là chuyện tiền nong phải được ghi chép đầy đủ, có bằng chứng, sao kê. Các cá nhân hay tổ chức đứng ra huy động, vận động từ thiện còn phải có trách nhiệm công khai nguồn đóng góp tự nguyện như qua Facebook, email... cho cá nhân, tổ chức tài trợ, mọi sự kê khai đều rõ ràng, minh bạch”, chị Tâm cho hay.
Kinh nghiệm “sống còn” của nhiều người trẻ tổ chức làm từ thiện
Là trưởng nhóm của tổ chức thiện nguyện Sống hướng thiện, anh Phạm Đình Mạnh chia sẻ, khi tổ chức vận động ủng hộ thì trước đó anh phải làm rất rõ những thông tin liên quan để mọi người biết tường tận, nếu ai đồng tình thì ủng hộ, chung tay giúp đỡ.
Anh Phạm Đình Mạnh nói: “Tốt nhất các chương trình từ thiện nên làm tốt khâu khảo sát và giám sát. Ở đó, có sự tham gia của nhân dân và chính quyền. Bởi vì muốn giúp hoàn cảnh cụ thể hoặc có chương trình cụ thể thì trước đó đã phải có tất cả dữ liệu thông tin cần thiết.
Sau đó lên chương trình cụ thể xem nhân vật hay chương trình đó cần những gì và cần huy động bao nhiêu tiền. Ban tổ chức cần thông báo ngừng huy động khi đã đủ kinh phí dự trù”.
Anh Phạm Đình Mạnh trong chuyến từ thiện tổ chức xây trường ở Xá Tự, Tênh Phông, Tuần Giáo, Điện Biên năm 2017. |
Anh Mạnh cho biết thêm, câu lạc bộ tình nguyện của anh đặc biệt chú ý đến việc minh bạch thông tin đến với cộng đồng.
“Trước chương trình thì chia sẻ thông tin đến cộng đồng. Trong lúc đang diễn ra vận động thì cập nhật liên tục để mọi người biết tiến độ.
Sau hoàn thành chương trình thì công bố chi tiết số tiền đã nhận và số tiền đã chi dùng cho hoạt động. Càng thông báo liên tục, nhanh chóng càng tốt", trưởng nhóm Sống hướng thiện cho hay.
Trong suốt 4 năm đại học, anh Hà Thanh Nghĩa (cựu sinh viên ĐH Ngoại Thương) đã thực hiện rất nhiều chuyến đi thiện nguyện tới với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Anh Nghĩa cho biết, trong mỗi chuyến đi, anh và nhóm từ thiện đều lên ý tưởng, kế hoạch rất cụ thể và chi tiết, đồng thời thông báo và phối hợp với chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hợp lý.
Anh Hà Thanh Nghĩa tham gia nhiều chương trình hướng tới cộng đồng. |
Anh Hoàng Minh Thế - Ủy viên BCH Đoàn trường, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội từng tham gia trao tặng sách vở, đồ dùng học tập cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa nói rằng, làm thiện nguyện là công việc cũng là trách nhiệm của cả đời người, cần làm một cách âm thầm và đúng khả năng của mình.
Anh Hoàng Minh Thế đứng thứ 2 từ trái qua phải. |
Ngoài ra, qua trải nghiệm của bản thân, anh Thế rút ra những kinh nghiệm để không trao nguồn ủng hộ cho những đối tượng không xứng đáng. “Khi gửi quà hay hỗ trợ tiền mặt, tránh gia đình nhận hai, ba lần hay khai khống thì người đến kí nhận cần có chứng minh thư, rồi ký nhận ba bên, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền”, anh Thế nói.
VTV1 nói về vụ lùm xùm 14 tỷ đồng tiền từ thiện của NS Hoài Linh: Giữ tiền quyên góp trong 6 tháng có vi phạm pháp luật không?
Vụ việc của Hoài Linh hiện vẫn đang gây xôn xao dư luận.
Mai Phương