Hồ Tùng Mậu - một người con ưu tú xứ Nghệ
Nhân dịp kỉ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu được tổ chức mới đây, nhiều học giả nhấn mạnh: Đồng Chí Hồ Tùng Mậu đã viết tiếp trang sử vẻ vang của những người con xứ nghệ, là một trong những nhà cách mạng kiệt xuất đầu thế kỉ 20.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình giàu truyền thống khoa bảng và yêu nước. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước và thế giới có nhiều biến động to lớn, cơ duyên đã đưa Hồ Tùng Mậu đã trở thành một chiến sỹ cộng sản, một cán bộ lão luyện của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo các nhà sử hoc, Hồ Tùng Mậu thoát ly gia đình, và bắt đầu dạy học ở huyện Thanh Chương (năm 1916) với mục đích tìm hướng đi. Cuối tháng 4/1920, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn và Ngô Quốc Chính sang Thái Lan, rồi 3 tháng sau đó lại sang Trung Quốc tìm các nhà hoạt động cách mạng xứ Nghệ đang hoạt động cách mạng ở đây là Phan Bội Châu, Hồ Học Lãm… Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn thành lập ra Tâm Tâm xã, tập hợp số thanh niên hăng hái kiên quyết cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc, với mục đích giành độc lập cho Việt Nam khỏi chế độ đô hộ của thực dân Pháp.
Chân dung đồng chí Hồ Tùng Mậu... |
Mùa xuân năm 1924, Hồ Tùng Mậu về nước, trở lại Quỳnh Lưu, Yên Thành hoạt động với tên Phan Tái. Tháng 11/1924, nhóm Tâm Tâm xã được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ chuyển hướng hoạt động, xây dựng tổ chức cách mạng theo đường lối đúng đắn. Tháng 6/1925, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn giúp Nguyễn Ái Quốc xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó, Cộng sản đoàn có 5 người, Hồ Tùng Mậu cùng tham gia...
Tháng 6/1931, Hồ Tùng Mậu lại bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai tại Thượng Hải. Chúng giải ông về giam ở nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội) và bị Tòa án Nghệ An kết án tử hình, song do ông kháng cáo, buộc chúng phải sửa xuống tù chung thân. Trải qua rất nhiều nhà lao nhưng tù ngục không giam hãm được trái tim và lòng yêu nước của người thanh niên xứ Nghệ.
Tháng 3/1945, lợi dụng tình hình phát xít Nhật đảo chính Pháp, Hồ Tùng Mậu cùng một số tù chính trị trốn khỏi căng an trí Trà Khê, tỉnh Phú Yên và trở về quê hoạt động tại cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ. THam gia các xứ mệnh khác nhau của Đảng và mất năm 1951 nhưng những đóng góp của đồng chí Hồ Tùng Mậu được Đảng và nhân dân vô cùng biết ơn.
Cụ thể, năm 1951 sau khi được tin ông hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và tự tay viết điếu viếng. Năm 2008, ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng vì những đóng góp của mình. Tên ông còn được chính quyền và nhân dân các địa phương trang trọng đặt tên đường và các công trình văn hóa trên khắp cả nước...