Hỗ trợ tâm lý, chống 'sốc' cho học sinh trở lại trường thế nào?
Cho đến thời điểm hiện tại nhiều tỉnh thành đang có kế hoạch mở cửa trường học trở lại. Sau thời gian dài học sinh học trực tuyến bố mẹ nên làm gì để chuẩn bị tâm thế tốt cho con khi học trực tiếp.
Nhiều tỉnh cho học sinh đến trường
Tại Cà Mau, Sở GD&ĐT cho phép 18 trường tại huyện Thới Bình và Đầm Dơi được dạy, học trực tiếp, trong đó có 11 trường tiểu học và 7 trường THCS.
Theo lãnh đạo Sở GDĐT Cà Mau, đầu tháng 11 sẽ có thêm nhiều trường dạy trực tiếp. Những nơi chưa đủ điều kiện tiếp tục dạy, học trực tuyến. Học sinh mầm non tiếp tục nghỉ học đến khi có thông báo mới.
Ảnh minh họa |
Tại Bến Tre, sau khi cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tựu trường từ ngày 25/10, học sinh các cấp học còn lại (trừ mầm non) trở lại trường từ ngày 1/11.
Tại Bình Dương, Sở GD&ĐT cho biết, dự kiến học sinh THPT sẽ trở lại trường học từ đầu tháng 11/2021. Cụ thể, các địa phương thuộc cấp độ 1 sẽ tổ chức học trực tiếp cho khối lớp 12 vào ngày 1/11, khối 10, 11 sẽ đi học từ ngày 15/11 và các khối THCS sẽ đến trường vào ngày 29/11.
Các địa phương thuộc cấp độ dịch 2, tổ chức dạy trực tiếp cho học sinh khối 12 từ ngày 29/11. Các khối 10, 11 sẽ học từ ngày 13.12.
Học sinh THCS sẽ học từ ngày 3/1/2022. Riêng bậc tiểu học tiếp tục học trực tuyến và qua truyền hình. Bậc mầm non nhà trường phối hợp với cha mẹ, phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà.
Việc tổ chức dạy học trực tiếp cũng có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi và cấp độ dịch.
Hỗ trợ tâm lý cho học sinh trở lại trường
Cho đến thời điểm hiện tại nhiều tỉnh thành đã có kế hoạch mở cửa trường học trở lại. Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp con trở lại trường với tâm thế tốt nhất?
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì khi cho học sinh quay lại trường, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn cho thầy và trò thì việc hỗ trợ tâm lý cho các em cũng rất quan trọng.
Để học sinh không bị “sốc” đột ngột khi thay đổi thời gian biểu thì giáo viên có thể chia thành các buổi nói chuyện chuyên đề trong phạm vi một lớp hoặc chia thành các nhóm nhỏ để tìm hiểu những vấn đề các em đang gặp phải để có phương án hỗ trợ kịp thời nhất là những học sinh mất bố, mẹ và người thân trong đại dịch thì cần sự động viên, chia sẻ, khuyến khích của giáo viên và tập thể lớp.
Còn theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết mấy tháng dài học trực tuyến đương nhiên trẻ sẽ có những thay đổi về mặt tính cách, thói quen cũng như hành vi ứng xử khiến cha mẹ không khỏi lo lắng.
"Khi các con quay lại trưởng để trẻ thích nghi sớm bố mẹ hãy gần gũi, chia sẻ và trò chuyện cùng con để hiểu con, đưa ra định hướng để giúp con dần thay đổi và biết cách cư xử phù hợp hơn với bạn bè, thầy cô khi quay trở lại trường học nhất là học sinh tiểu học bè chắc chắn các con sẽ có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn và bản thân các bậc phụ huynh cũng không tránh khỏi áp lực tâm lí.
Cha mẹ cần chấp nhận và dần dần mỗi hôm một chút, trò chuyện, thủ thỉ với con về việc đến lớp con được làm gì, gặp lại bạn bè thầy cô, những việc con thích làm ở trường là gì rồi sau đó hướng sự chú ý của con vào những việc con hứng thú nhất, tạo cảm giác con được thầy cô, bạn bè yêu thương.
Còn với học sinh THCS, THPT, việc trở lại trường học có phần dễ dàng hơn vì các con cũng dễ thích nghi hơn, tự lập hơn. Quan trọng là cha mẹ biết cách quản lí giờ giấc học tập của con để con không bị xao nhãng bởi các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại,...
Khi con đã yêu thích đến trường thì việc điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen để các con bắt nhịp với môi trường mới kỉ cương, nền nếp hơn hoàn toàn không phải là vấn đề trở ngại", PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ.
Hoàng Thanh