Hỗ trợ Hà Tĩnh 50 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ
Trước tình hình thiệt hại lớn do mưa lũ gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hỗ trợ 670 tỷ đồng cho 9 địa phương khắc phục hậu quả mưa bão tại miền Trung - Tây Nguyên.
Mưa bão gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, thuộc khu vực hạ du hồ Kẻ Gỗ. |
Thời gian qua, nhiều địa phương tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra. Nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, nhiều công trình bị sụp đổ, hư hỏng, nhiều vật nuôi bị cuốn trôi.
Tại Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn. Lượng mưa đo được vào những ngày cao điểm có nơi gần 1.400mm, khiến các hồ chứa mất khả năng điều tiết lũ, gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, nhất là các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.
Nhiều hộ dân tại huyện Cẩm Xuyên bị ngập sâu cả mét. |
Mưa lớn khiến tình trạng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi. Mưa lũ cũng đã làm 06 người chết; hơn 6.980ha lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại trên 5.300 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định cấp bổ sung 670 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 9 địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, gồm có Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum, mỗi tỉnh 50 tỷ đồng; Quảng Trị và Bình Định mỗi tỉnh 70 tỷ đồng; Quảng Nam 130 tỷ đồng và Quảng Ngãi 150 tỷ đồng.
Ngân sách được ưu tiên sử dụng theo thứ tự: thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ dân sinh (hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, nhà ở bị hư hỏng), di dân khẩn cấp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng nặng do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất (y tế, trường học, công trình cung cấp nước sạch, thủy lợi, đê điều).
Thủ tướng giao UBND các tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có hiệu quả. Kết hợp sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để kịp thời thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đúng đối tượng, định mức quy định.
Yêu cầu các địa phương kiểm tra, tổng hợp số liệu thiệt hại. Báo cáo kết quả và nhu cầu kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho từng địa phương trong thời gian tới.
Các tỉnh có nhu cầu hỗ trợ bằng hiện vật thì gửi đề xuất về Bộ NN&PTNT (giống cây trồng, vật nuôi, vắc-xin, hóa chất khử trùng); Bộ Y tế (thuốc, hóa chất lọc nước); Bộ LĐ-TB&XH (gạo cứu đói) để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với kinh phí thực hiện các dự án đầu tư mang tính chất lâu dài, các địa phương bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật liên quan.
Trần Hoàn