Hà Tĩnh: Xây dựng phương án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Trước tình hình mưa bão, lũ quét, sạt lở đất xuất hiện với cường độ và tần suất ngày càng lớn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo khắc phục và ngăn ngừa hậu quả thiên tai gây ra.
Mưa bão gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, nhất là các huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. |
Thời gian qua, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn. Lượng mưa đo được vào những ngày cao điểm có nơi gần 1.400mm, khiến các hồ chứa mất khả năng điều tiết lũ, gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, nhất là các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.
Mưa lớn khiến tình trạng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi. Mưa lũ cũng đã làm 06 người chết; hơn 6.980ha lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại trên 5.300 tỷ đồng.
Nhiều nơi ngập sâu cả mét. |
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tại chỗ. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Trước mắt, cần hỗ trợ khôi phục nhà cửa các gia đình bị sập, đổ, cuốn trôi, hư hỏng; đảm bảo những người dân bị thiệt hại có chỗ ở an toàn và các điều kiện tối thiểu để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh sau thiên tai, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, hộ bị thiệt hại nặng.
Không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, thiếu thuốc điều trị, nhu yếu phẩm thiết yếu; tổ chức tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau thiên tai.
Phấn đấu đến hết tháng 6/2021, đảm bảo 100% gia đình bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra đều có chỗ ở an toàn; những hộ dân có nhà bị đổ, sập, hư hỏng nặng được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa kiên cố.
Ưu tiên nguồn lực khôi phục ngay các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đảm bảo các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt trở lại hoạt động bình thường.
Huy động các nguồn lực, tập trung khôi phục, sửa chữa nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu bị hư hại như giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, điện lực, văn hóa, giáo dục, y tế... để phục vụ sản xuất và ổn định cuộc sống của người dân.
Mưa lớn suốt nhiều ngày đã khiến tỉnh lộ 554 nối xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) với các xã lân cận bị nước khoan thủng, gây gãy sập. |
Phấn đấu đến cuối năm 2021, người dân vùng thường xuyên bị ngập lụt cơ bản được trang bị áo phao cứu sinh; 100% thôn, xóm, tổ dân phố, vùng thường xuyên bị ngập lụt có thuyền nhỏ dân sinh để chủ động ứng phó với lũ, lụt.
Rà soát quy hoạch, xây dựng bản đồ cho các vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất khi có mưa lớn. Đảm bảo tất cả người dân, trường học, đồn, trạm biên phòng, doanh trại quân đội, lực lượng chức năng ở các địa điểm có nguy cơ bị sạt lở đất chủ động sơ tán đến địa điểm an toàn.
Đề ra các giải pháp lâu dài như trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, nhất là bảo vệ và tái tạo rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn các hồ chứa lớn để góp phần làm chậm lũ cho các hồ chứa.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo bình ổn thị trường, nhất là giá cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai để găm hàng, nâng giá, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng.....
Trần Hoàn