Hiệu trưởng kêu gọi quyên góp smart phone hỗ trợ học sinh nghèo học trực tuyến
Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu |
Hiệu trưởng hỗ trợ 1 smart phone mới
Vào chiều 18/3, trên facebook của mình, ông Dương Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu đăng thông tin: "Nhằm khắc phục tình trạng nghỉ học do dịch bệnh, Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu đang triển khai đại trà chương trình dạy học trực tuyến, thu hút sự tham gia tích cực của tất cả các em học sinh và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của phụ huynh. Tuy nhiên, hiện tại còn một bộ phận học sinh quá nghèo, không thể sắm nổi phương tiện học tập, ít nhất là một chiếc smart phone cũ để có thể truy cập mạng".
Để giúp học sinh nghèo có thể tham gia học tập trong mùa dịch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu thiết tha kêu gọi các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh nghèo để các em có phương tiện học tập.
Mọi người có thể đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật là điện thoại thông minh mới hoặc cũ còn dùng được.
Ngay sau khi phát lời kêu gọi, đích thân ông Dương Đình Thọ đã hỗ trợ 1 điện thoại smart phone mới; thầy Nguyễn Văn Tịnh, Phó Hiệu trưởng ủng hộ 500.000 đồng. Việc làm này bước đầu đã nhận được sự sẻ chia từ những tấm lòng thơm thảo.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu kêu gọi hỗ trợ smart phone cho học sinh học trực tuyến. |
Được biết, Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu có tổng 28 lớp với 1.060 học sinh, trong đó khối 12 là 330 em. Toàn trường có 37 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện tại là trên 60 người, trong đó giáo viên của trường là 47, còn lại là giáo viên hợp đồng và giáo viên biệt phái.
Học sinh theo học tại đây thuộc các xã Kỳ Thọ, Kỳ Khang, Kỳ Tây, Kỳ Trung, Kỳ Văn, Kỳ Thư và một số của xã Kỳ Đồng, Kỳ Phú, Kỳ Ninh, Kỳ Hải, Kỳ Hà. So với mặt bằng tại địa phương thì đây là những xã nghèo của huyện Kỳ Anh.
Cơ hội để mở ra hình thức dạy học mới
Trao đổi với PV, ông Dương Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu trăn trở: “Do dịch bệnh kéo dài nên học sinh không thể đến lớp. Trong khi nhà trường muốn triển khai dạy trực tuyến thì phần lớn học sinh thuộc diện khó khăn nên gặp nhiều trở ngại”.
Ông Thọ cho biết, ngay từ lúc mới xuất hiện dịch, nhà trường đã sử dụng các trang web như ViettelStudy để giáo viên ra bài cho học sinh rồi thu về chấm. Một số giáo viên sử dụng hình thức nhóm trên Zalo, Messenger để ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên việc làm chưa thật hiệu quả vì còn một số lượng lớn học sinh chưa có thiết bị để kết nối Internet.
“Sau khi có kế hoạch nghỉ tiếp, chúng tôi đã tập trung hội ý toàn trường, bàn cách để dạy cho học sinh. Quan điểm là không dạy theo nhóm nữa mà phải dạy đại trà cho 100% học sinh tham gia, nếu không sẽ thất bại”, ông Thọ nói.
Cũng theo ông Thọ, do nhiều học sinh chưa có thiết bị nên nhà trường đang động viên giáo viên chủ nhiệm bố trí những học sinh gần nhà dùng chung. Một số trường hợp bất khả kháng thì phải in tài liệu rồi chuyển cho học sinh. Tuy nhiên, do khó quản lý nên vẫn chưa phát huy được hiệu quả.
“Hiện tại, khoảng 80% học sinh khối 12 đã có smart phone, còn gần 70 em chưa có. Cộng với khoảng 50% của khối 10 và 11 (tương đương 365 em). Tổng cần hơn 400 cái smart phone để triển khai dạy học trực tuyến”, ông Thọ cho biết.
Trước câu hỏi nếu được hỗ trợ đầy đủ phương tiện, nhà trường sẽ triển khai như thế nào, vị Hiệu trưởng khẳng định: “Khi có đầy đủ thiết bị cho học sinh, nhà trường sẽ hướng dẫn cài đặt các phần mềm Zoom, sau đó giáo viên sẽ lập một địa chỉ và đưa tất cả học sinh vào nhóm. Tùy theo từng lớp, từng môn học, giáo viên sẽ hẹn giờ để các em mở máy ra học”.
Năm học 2018 - 2019, trườngTHPT Nguyễn Thị Bích Châu đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, được Bộ Giáo dục tặng Bằng khen. |
“Cái hay của phần mềm này là số lượng lên tới một trăm người. Giáo viên có thể dạy ở nhà hoặc trên lớp thông qua webcam của máy tính. Học sinh dùng smart phone để học và phản hồi được, tương tác được. Em nào tham gia hay không đều hiển thị nên giáo viên có thể điểm danh được”, ông Thọ nói.
Ông Thọ khẳng định: “Chúng tôi xác định, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đây là một cơ hội để mở ra một hình thức dạy học mới. Sau này học sinh sẽ quen với các ứng dụng của công nghệ hiện đại”.