Hiệu quả ở Đắk Lắk qua 8 năm xây dựng xã hội học tập
Xây dựng xã hội học tập không chỉ là công việc của ngành giáo dục mà của cả xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của các địa phương là nòng cốt tạo nên sự thành bại của đề án.
Thời gian qua, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các hoạt động của Đề án, phong trào xây dựng XHHT của tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hoạt động được nâng cao.
Cụ thể, giai đoạn 2012-2020, Đắk Lắk đã đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức, đa dạng hóa các chương trình, nội dung học tập. Hằng năm, tỉnh tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời cấp tỉnh, phối hợp với địa phương phát động toàn dân tham gia xây dựng xã hội học tập thu hút sự quan tâm của xã hội về hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo cấp huyện phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cấp giáo dục-chống mù chữ các cấp.
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đạt và duy trì được chuẩn quốc gia về phổ cập mầm non 5 tuổi, công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và chống mù chữ ngày càng được củng cố.
Mạng lưới các cơ sở giáo dục, trung tâm ngoại ngữ, tin học ngày càng được mở rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy được tăng cường đầu tư phù hợp. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề được đẩy mạnh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, truy cập Internet miễn phí cho người dân tiếp cận thông tin tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao hiểu biết đạt hiệu quả cao…Qua đó đã góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí của tỉnh nói riêng và sự nghiệp giáo dục cả nước nói chung.
Ngoài ra, tại Đắk Lắk, qua 8 năm triển khai Đề án 89 về xây dựng xã hội học tập tập, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã giữ vững kết quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; đảm bảo trên 80% số người biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy được tăng cường đầu tư phù hợp; các chương trình đào tạo được đa dạng hoá, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ của nhân dân trên địa bàn; việc hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng cơ bản đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra…
Báo cáo tại hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012-2020” , đại diện tỉnh Đắk Lắk cho biết sau 8 năm thực hiện Đề án 89, nhiều vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai cũng dần bộc lộ như: công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm; các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn; số người mù chữ ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn cao, kết quả xoá mù chữ không bền vững, hiện tượng tái mù chữ còn khá lớn…
Thời gian tới, ngành GD-ĐT Đắk Lắk, Hội Khuyến học tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn qua; áp dụng những biện pháp, giải pháp phù hợp với tính chất, đặc thù của ngành, địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội để góp phần không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng XHHT…
Nhân dịp này, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng 9 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội Khuyến học tỉnh tặng Giấy khen 43 tập thể, dòng họ, đơn vị và 37 gia đình, cá nhân có thành tích trong thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg giai đoạn 2016 – 2020.
Hoàng Thanh