Đức muốn tăng sức mạnh quân sự trong NATO?
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đưa ra đánh giá về chi tiêu cho quốc phòng của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chuyên gia: Mỹ rút quân khỏi Đức là tự làm hại chính mình?
Ông Norbert Walter-Borjans, đồng Chủ tịch Đảng dân chủ xã hội Đức (SPD) cho biết, việc rút quân đội Hoa Kỳ khỏi lãnh thổ Đức sẽ gây tổn hại cho Washington.
Theo đó, tờ N-TV của Đức cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer tin rằng đóng góp quốc phòng chiếm 2% GDP của các quốc gia thành viên NATO là "không phù hợp để giải quyết các vấn đề an ninh". Trong trường hợp xảy ra suy thoái kinh tế, quân đội Đức sẽ vẫn có thể đóng đủ 2%, tuy nhiên việc này sẽ không đảm bảo cải thiện khả năng chiến đấu. “Thay vào đó, quân đội Đức cần phải chiếm 10% sức mạnh quân sự của liên minh”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức khẳng định.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer. (Ảnh: Reuters) |
Giữa hậu quả kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bà Kramp-Karrenbauer gọi tiêu chuẩn chi tiêu quốc phòng 2% của NATO là một công cụ không phù hợp. “Tăng cường khả năng phòng thủ của liên minh cần tương ứng với lợi ích an ninh của Đức”, bà Kramp-Karrenbauer nói.
“Tuy nhiên, nếu các nước nhìn vào số tiền chi tiêu cho quốc phòng chiếm 2% GDP, có vẻ như không chính xác”, bà Kramp-Karrenbauer lưu ý.
Bà Kramp-Karrenbauer giải thích rằng, bởi vì trong trường hợp xảy ra hoàn cảnh suy thoái kinh tế khác, quân đội Đức sẽ vẫn có thể hoàn thành tiêu chuẩn này nhanh hơn nhiều, nhưng nó sẽ không cải thiện khả năng chiến đấu.
Theo N-TV, điều quan trọng là đến năm 2030, quân đội Đức sẽ chiếm hơn 10% sức mạnh quân sự của NATO, đây chính xác là những gì Bộ trưởng quốc phòng Đức mong muốn. Tuy nhiên, bà Kramp-Karrenbauer thừa nhận, điều này sẽ không dễ dàng, vì việc cắt giảm ngân sách nhà nước do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cũng theo bà Kramp-Karrenbauer, châu Âu cần sử dụng nguồn vốn sẵn có của mình hiệu quả hơn, tránh việc tạo ra các cấu trúc trùng lặp.
“Nhiệm vụ của chúng tôi ở châu Âu là điều phối tốt hơn các hoạt động liên quan đến vũ khí và trang thiết bị quân sự mới. Các quốc gia cần phát triển một la bàn chiến lược chung để thích ứng với mọi sự thay đổi”, bà Kramp-Karrenbauer nói.
Trước đó, hôm 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ý định cắt giảm 34.500 binh sĩ đóng tại Đức xuống còn 25.000 người, tương đương 25%. Quân số cắt giảm bao gồm một phi đội chiến đấu cơ F-16 và các đơn vị bộ binh hỗ trợ.
Một trong những lý do để giải thích cho quyết định cắt giảm quân số này đó là vấn đề chi phí cho việc duy trì hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Tổng thống Trump thường xuyên than phiền về việc nước Mỹ đã phải bỏ ra ngân sách để bảo vệ các đồng minh NATO. Ông chủ Nhà Trắng đích danh nói chính quyền Berlin là một quốc gia giàu có nhưng lại “lơ là” phần đóng góp cho ngân sách NATO và đối xử “tệ” với Mỹ về khía cạnh thương mại.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, dù chưa có thông báo chính thức, chi tiết về các bộ phận binh sĩ rút quân hiện đang được nghiên cứu và các tướng lĩnh đang cân nhắc các lựa chọn.
Thanh Bình (lược dịch)