Hé lộ bí ẩn phong tục đào lại ngôi mộ cổ cách đây 1.400 năm
Các nhà khảo cổ điều tra bí ẩn về những ngôi mộ cổ thường xuyên được mở ra cách đây 1.400 năm.
Theo một nghiên cứu mới, những người sống trên khắp châu Âu khoảng 1.400 năm trước có thói quen mở lại các ngôi mộ và lấy ra nhiều đồ vật. Các nhà khảo cổ hiện đang cố gắng tìm hiểu những lý do bí ẩn đằng sau.
Rất nhiều ngôi mộ cổ bị mở nằm khắp các nghĩa trang từ Transylvania đến miền nam nước Anh. Trong nghiên cứu lần này, các nhà khảo cổ phân tích các nghĩa trang từ năm khu vực của châu Âu. Họ phát hiện ra rằng khoảng từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên, mọi người thường xuyên mở các ngôi mộ, lấy đồ vật bên trong nhưng không liên quan đến việc trộm mộ.
Hé lộ bí ẩn phong tục đào lại ngôi mộ cổ cách đây 1.400 năm |
Alison Klevnäs, nhà nghiên cứu tại Đại học Stockholm, tác giả chính nghiên cứu cho biết: "Người xưa cẩn thận lựa chọn những của cải trong mộ để lấy ra. Đặc biệt là trâm cài đầu của phụ nữ, kiếm của nam giới nhưng họ cũng để lại nhiều đồ vật có giá trị, bao gồm cả kim loại quý, mặt dây chuyền bằng vàng, bạc".
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khung thời gian người xưa lựa chọn để mở lại các ngôi mộ là sau khi mô mềm phân huỷ, đôi khi vào lúc thùng gỗ bên ngoài gãy đổ, chứa đầy trầm tích.
Động cơ của việc lấy các vật phẩm khỏi ngôi mộ thay đổi tuỳ theo từng nơi nhưng lý do tại sao thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Alison Klevnäs cho biết: "Gươm và trâm cài là một số những đồ vật mang tính biểu tượng nhất trong các ngôi mộ. Những đồ vật này là quà tặng, hay được truyền lại như vật gia truyền, dùng để liên kết mọi người qua nhiều thế hệ. Chúng mang theo những câu chuyện ký ức. Vì vậy, người xưa lấy lại các đồ vật như gươm, trâm cài vì những lý do này".
Tuy nhiên, tục khai quật mồ mả không kéo dài quá lâu. Astrid Noterman, Đại học Stockholm, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ: "Phong tục mở nắp quan tài lan rộng khắp tây Âu từ cuối thế kỷ thứ 6, đạt đến đỉnh điểm vào thế kỷ thứ 7. Trong hầu hết các khu vực, hành động này giảm dần vào cuối thế kỷ thứ 7".
Trước đó, các nhà khảo cổ khai quật ngôi mộ cổ có niên đại 3.800 năm tuổi, từ thời đại đồ đồng sớm khoảng 3500 - 2000 trước Công nguyên. Họ đã phát hiện một vật trang trí nhỏ hình xoắn ốc làm từ vàng thật. Món trang sức bằng vàng là vật thể kim loại quý giá và lâu đời nhất từng được khai quật ở khu vực này.
Hoàng Dung (lược dịch)