Hàng trăm hố sụt khổng lồ chỉ chăm chăm ‘nuốt chửng người’ xuất hiện ở Croatia
Hàng trăm hố sụt xuất hiện trên khắp các khu vực của Croatia khiến nhiều người sống trong nỗi lo sợ.
Hàng nghìn người đang sống trong nỗi lo sợ bị Trái Đất 'nuốt chửng' sau khi hàng trăm hố sụt xuất hiện tại khu vực bị rung chuyển mạnh sau trận động đất.
Ngày 29/12/2020, Croatia đã ghi nhận trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ở mức 6,4 độ Richter, trận động đất đã ảnh hưởng trực tiếp đến 116.000 người, chủ yếu ở các thành phố Petrinja, Sisak và Glina.
Hàng trăm hố sụt khổng lồ chỉ chăm chăm ‘nuốt chửng người’ xuất hiện ở Croatia |
|
Hơn 35.000 ngôi nhà và 4.550 cơ sở kinh doanh hư hại do chấn động mạnh và nhiều dư chấn khác, có 5 trường hợp tử vong do hiện tượng thiên nhiên tàn phá này.
Hiện tại đã hơn hai tháng kể từ khi trận động đất xảy ra, người dân những vùng bị ảnh hưởng càng thêm lo lắng khi nhiều hố sụt liên tục xuất hiện.
Theo người dân ở làng Mečenčani, nằm cách tâm chấn của trận động đất khoảng 25 km, các hố sụt đầu tiên xuất hiện hai ngày trước trận động đất. Nhưng chỉ khoảng 10 ngày sau thảm họa thiên nhiên, đã có 15 hố sụt trong ngôi làng.
Tomo Medved, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm giải quyết hậu quả của trận động đất ngày 29/12 cho biết số lượng hố sụt ở thành phố Kukuruzari, trong khu vực xung quanh Petrinja, đã tăng từ 40 vào tuần trước lên hơn 70.
Nhiều hố sụt xuất hiện với mật độ dày đặc, liên tục, khiến bản thân các nhà khoa học bối rối, gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá tình hình.
Tomo Medved cho biết: "Đây là con số thực sự lớn, ngày càng mở rộng và chúng tôi đang phải đối mặt với thách thức tìm ra giải pháp để cuộc sống của những người sống ở đây không gặp bất kỳ nguy hiểm nào".
Các chuyên gia tại Khoa Mỏ, Địa chất và Kỹ thuật Dầu khí Zagreb đã đưa ra một số cảnh báo nhưng chưa ai đưa ra chiến lược cụ thể. Tomo Medved tiết lộ thêm rằng đã xuất hiện thêm nhiều hố sụt trong vùng lân cận các ngôi nhà có người dân sinh sống.
Hiện tại, các nhà chức trách đang sơ tán những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và xây dựng các khu nhà tạm bằng container.
Một số hố có chiều rộng vài mét, chỗ lớn nhất lên tới 30 mét. Hố sụt sâu nhất có độ sâu khoảng 15 mét, nhưng hầu hết đều chứa đầy nước khiến việc ước tính độ sâu của chúng rất khó khăn.
Mặc dù không đáng sợ như những hố sụt khổng lồ có hình giống như cái phễu đã xuất hiện trên khu vực nước Nga, nhưng những hố sụt của Croatia lại nguy hiểm hơn rất nhiều vì chúng xuất hiện trong khu vực đông dân cư.
Hoàng Dung (lược dịch)