Hải quân Nga khôi phục vị thế cường quốc hàng đầu
Hải quân Nga khôi phục vị thế cường quốc hàng đầu
Nga nỗ lực khôi phục vị thế cường quốc hải quân
Quan chức hải quân hàng đầu của Nga Viktor Chirkov mới tiết lộ, Moscow đang trong quá trình đàm phán để thiết lập các căn cứ quân sự ở Cuba, Seychelles... Trong khi đó, hiện Nga chỉ đang triển khai một căn cứ hải quân có tầm quan trọng chiến lược ở cảng Tartus, Syria.
“Chúng tôi đang xúc tiến kế hoạch triển khai các căn cứ hải quân bên ngoài lãnh thổ. Đó là sự thật”, ông Viktor Chirkov khẳng định.
Tàu tuần dương được trang bị tên lửa hạt nhân tối tân nhất của hải quân Nga Pyotr Veliky. |
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin hôm 31/7 cũng vừa tuyên bố sẽ trang bị thêm 51 tàu chiến nổi và 24 tàu ngầm, bao gồm 8 tàu lớp Borei cho hải quân Nga vào năm 2020 trong nỗ lực bảo vệ các lợi ích cốt lõi và địa vị cường quốc hải quân. Dự án này ngốn của điện Kremlin 136,7 tỷ USD.
"Chúng tôi tin rằng đất nước của chúng tôi cần duy trì địa vị là một trong những cường quốc hải quân hàng đầu thế giới”, Tổng thống Putin tuyên bố khi tham dự lễ khởi công chế tạo tàu ngầm lớp Borei thế hệ thứ 4 ở cơ sở đóng tàu Sevmash, miền Bắc nước Nga.
Đồng thời tại đây, Tổng thống Nga kêu gọi đẩy nhanh quá trình chế tạo tàu chiến và tàu ngầm cũng như các trang thiết bị, khí tài cho hải quân và đặt mục tiêu hoàn thành trước hạn.
“Tôi hy vọng 8 tàu ngầm lớp Borei sẽ hoàn thành đúng hạn và đảm bảo chất lượng”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Một số người bày tỏ quan ngại việc Nga tuyên bố hùng hồn các kế hoạch mở rộng sức mạnh hải quân tới Cuba, Seychelles sẽ là mối đe dọa chiến lược tới các lợi ích của Mỹ ở Mỹ Latin, Ấn Độ Dương hoặc Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ đánh giá dự án này của Nga nhuốm màu sắc chính trị nhiều hơn là quân sự. Rõ ràng, Tổng thống Nga Putin đang muốn thách thức với sức mạnh và quyền lực Mỹ, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng Syria ngày một leo thang nhưng tất cả các bên lại bế tắc để tìm ra giải pháp chấm dứt nó.
Trong khi phương Tây và Mỹ cực lực ủng hộ phe đối lập, muốn nhanh chóng lật đổ chính quyền Syria thì Nga, không có gì phải tranh cãi, sống chết bảo vệ chế độ Assad. Do đó, thời gian qua, Nga cả công khai lẫn âm thầm điều hạm đội tàu chiến tới gần Syria với mục đích bảo vệ đồng minh và cảnh cáo bất cứ ý định can thiệp nào từ các quốc gia phương Tây bao gồm Mỹ.
Tổng thống Putin, người vừa bước vào nhiệm kỳ thứ 3, đang xem việc chống Mỹ là chính sách ưu tiên. Ông mạnh mẽ phản đối sự can thiệp của NATO và Libya và quyết liệt chống lại các nỗ lực của phương Tây nhằm gây áp lực, ép Tổng thống Syria Assad từ chức.
Nga và Trung Quốc từng 3 lần phủ chống lại các nghị quyết về Syria hòng mở đường cho can thiệp quân sự vào nước này do phương Tây dẫn đầu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Không dừng lại ở đó, để bảo vệ đồng minh, Tổng thống Putin còn gửi hàng hoạt các trực thăng tấn công tới Damascus.
Động thái này khiến Ngoại trưởng Mỹ Clinton, người vốn xem chiến lược “tái thiết” quan hệ Nga – Mỹ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cũng phải lên tiếng chỉ trích Nga kịch liệt.
Ngoài ra, có nhiều tín hiệu khác chứng tỏ, Nga rõ ràng đang lợi dụng hải quân để chống Mỹ. Năm ngoái, Moscow phái một tàu tuần dương có trang bị sức mạnh hạt nhân tới Venezuela, đồng minh của Iran, Trung Quốc và là "cái gai" trong mắt Mỹ. Hạm đội của Nga cũng hiện diện ở Cuba, một kẻ thù khác của Mỹ.
”Tôi thấy những động thái này chứng tỏ Putin đang nỗ lực chứng minh Nga vẫn là tay chơi quân sự - chính trị chính trên sân khấu thế giới”, ông Polmar nhận định.
Ông P.J. Crowley, một cựu phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ bình luận Tổng thống Putin rõ ràng đang nhận thấy lực lượng duy nhất có thể giúp ông thực hiện mục tiêu trên chính là hải quân và có lẽ, một vài căn cứ quân sự ở hải ngoại mà Nga đang nỗ lực thương lượng để giành quyền truy cập.
“Lúc này, hải quân là lực lượng duy nhất có khả năng giúp ông Putin chứng minh Nga vẫn là cường quốc thế giới. Rõ ràng, ông không thể triển khai quân đội hay phi đội bay tới bất cứ nới nào đó mà chưa nhận được chấp thuận chính thức. Thêm vào đó, rõ rằng chẳng nước nào muốn chứng kiến chuyện máy bay chiến đấu của nước ngoài lượn lờ trên đầu họ”, Norman Polmar, một nhà phân tích hải quân và từng viết một số sách về hải quân Nga chia sẻ.
Những tuyên bố to tát, bóng bẩy?
Không ít chuyên gia phân tích Mỹ xem các tuyên bố trên của Nga là rỗng tuếch. Họ cho rằng thực tế, giới "chóp bu" hải quân Nga chỉ đang tuyên bố khoác lác về các mục tiêu chiến lược, trong đó bao gồm việc triển khai nhiều tàu sân bay hơn.
Nga hiện chỉ có một tàu sân bay duy nhất là tàu Đô đốc Kuznetsov. |
“Nga không ngại đưa ra hàng loạt các tuyên bố đao to búa lớn liên quan đến cam kết với khu vực. Tuy nhiên, nói thì dễ còn làm mới khó. Rõ ràng Tổng thống Putin đang cố xoay chuyển lại nhận thức rằng Nga hiện không còn là cường quốc thế giới nữa mà chỉ là cường quốc khu vực. Ông đang cố tìm cách khôi phục lại quá khứ vàng son của nước Nga”, ông P.J. Crowley nhấn mạnh.
Ngày nay, Tổng thống Putin nhận ra rằng hải quân Mỹ đang thống trị các khu vực quan trọng của thế giới bao gồm Địa Trung Hải, Vịnh Péc-xích, Biển Arab, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong khi đó, sức mạnh hải quân Nga chỉ được thiết lập gắn liền với nhiệm vụ phòng thủ lãnh thổ cộng thêm các khả năng hạt nhân cho tàu ngầm để chống lại các mối đe dọa từ Mỹ.
Hải quân Nga hiện có thể sở hữu 300 tàu các loại, về số lượng không chêch lệch so với Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, xét về chất lượng, đa phần các tàu chiến của Nga hiện đều lỗi thời và khó lòng so bì với các tàu khu trục và tuần dương được trang bị tên lửa hạt nhân với các công nghệ quân sự tối tân nhất hiện nay. Điện Kremlin chỉ sở hữu duy nhất một tàu sân bay còn vận hành tốt trong khi đó, hải quân Mỹ nắm trong tay tới 11 tàu sân bay được trang bị khả năng hạt nhân, chưa kể các đội tàu chiến tối tân có khả năng tác chiến trên diện rộng, cách xa các căn cứ quân sự của nó.
Chưa hết, Moscow chỉ có khả năng triển khai vài tàu chiến ở hải ngoại trong khi đó, 1/4 sức mạnh hải quân Mỹ ở trên các đại dương. “Hầu như rất ít tàu Nga được triển khai ở hải ngoại”, ông Polmar cho hay.
“Nga đang nỗ lực gia tăng trọng lượng cho tiếng nói của họ trong các vấn đề quốc tế và tự xem mình là cường quốc thế giới quan trọng trong khi thực tế, họ đã bước vào kỷ nguyên suy tàn. Việc tuyên bố xây dựng và tìm kiếm thêm các căn cứ hải quân ở nước ngoài, trở về như thời 1970 và 1980 chỉ là một ví dụ khác. Liên Xô chưa từng có khả năng xây dựng kế hoạch quyền lực nước xanh và hiện cả Nga cũng vậy”, James Russel, một nghiên cứu sinh Học viên Hải quân ở Monterey, Calif nhận định.
Thực tế, Mỹ hiện vẫn được mệnh danh là cường quốc hải quân số 1 thế giới. Còn tiềm lực của Nga rõ ràng giảm sút đáng kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô. Hải quân Nga “đang ở trong tình thế túng quẫn về mặt tài chính”.
“Chỉ một số ít tàu chiến, tàu ngầm của hải quân Nga được duy trì hoạt động. Sau khi Liên Xô tan rã, trong một thời gian nước Nga rơi vào tình trạng khánh kiệt và túng quẫn. Do đó, hoạt động của các xưởng đóng tàu bị đình trệ để rồi sau đó rơi vào tình trạng bỏ hoang. Tất cả các quân chủng cũng đều suy yếu”, ông Polmar thêm vào.
Trong khi đó, nhà phân tích Russell cho rằng vấn đề trở nên tồi tệ hơn là do nạn tham nhũng. Tiền của chính phủ đang bị bòn rút bởi các đường dây tội phạm có tổ chức.
“Hiện Nga trông có vẻ thịnh vượng bởi sở hữu các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên kếch xù. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận từ nguồn tài nguyên vô giá này lại đang chảy vào túi các quan tham của đất nước. Rất nhiều tiền đang bị đánh cắp nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm điều tra, thu hồi lại. Nếu không có vũ khí hạt nhân, ai dám bảo Nga là cường quốc? ”, ông Russell đặt câu hỏi.
Chưa hết, trong một bài bình luận, tờ Washington Times còn trích dẫn nhận xét thẳng thắn của tờ RIA Novosti của Nga hồi đầu năm ngoái rằng hải quân Nga hiện chỉ là “ngựa xoàng” trên biển.
“Hải quân Nga không theo đuổi một cách mãnh liệt các kế hoạch tầm vĩ mô hay các khả năng tấn công tiêu chuẩn toàn cầu dành cho các tàu chiến được triển khai xung quanh các tàu sân bay hạt nhân. Thậm chí, ở thời hoàng kim, Liên Xô cũng không thể thực hiện được mục tiêu này vì các lý do lần lượt bắt nguồn từ sự suy yếu về công nghiệp, những hạn chế về các cơ sở sửa chữa và đóng tàu cho đến những cam kết đao to búa lớn nhưng lại rỗng tuếch của giới lãnh đạo công nghiệp quốc phòng và các chóp bu quân sự. Hải quân Nga trở thành lực lượng xoàng trên biển khi một lượng lớn tàu chiến bị bỏ không lâu ngày không được đưa vào sử dụng trong những năm 1990. Điều này tạo ra lỗ hổng lớn trong sức mạnh của hải quân Nga”, một chuyên gia phân tích của Nga viết.
PHƯƠNG ĐĂNG