Hai bố con đi tù vì giọt nước rửa xe
Chỉ vì mâu thuẫn vặt vãnh mà bố kéo con đi gây án, người con trai không khuyên can mà còn “đổ thêm dầu vào lửa”, để rồi cả 2 vướng vòng lao lý.
Kết thúc phiên toà, hai bố con đều nói lời ân hận, nhìn nhau xót xa. Chỉ vì mâu thuẫn vặt vãnh mà bố kéo con đi gây án, người con trai chẳng những không khuyên can mà còn “đổ thêm dầu vào lửa”, để rồi cuối cùng cả hai người đều vướng vòng lao lý.
Hai bố con bị cáo Huy tại phiên xét xử
Bị kết tội giết người vì mâu thuẫn nhỏ
TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Vũ Văn Huy (SN 1958, ở xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội) và Vũ An Dương (SN 1988, con trai bị cáo Huy) ra xét xử về tội Giết người. Bị hại trong vụ án là anh Nguyễn Thành T. (SN 1993, ở Tân Dân, huyện Phú Xuyên).
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 10h30 ngày 4/12/2020, anh T. điều khiển xe máy đến khu vực cây xăng số 2 ở thôn Trung (xã Chuyên Mỹ) để rửa xe. Khi anh T. đang dùng vòi phụt để rửa xe máy thì ông Vũ Văn Huy đi qua nên bị nước bắn vào người.
Thấy vậy, ông Huy nói anh T.: “Mày rửa xe kiểu gì mà nước bắn vào mặt tao”. Anh T. thủng thẳng trả lời: “Đây là chỗ rửa xe”. Lời qua tiếng lại, hai bên xảy ra xô xát, ông Huy và anh T. lao vào đánh nhau và được mọi người can ngăn.
Ông Huy đi về nhưng ấm ức vì thấy anh T. “ít tuổi mà hỗn láo” nên đã đi vào xưởng gỗ của gia đình, lấy 1 chiếc dùi đục để quay lại cây xăng tìm đánh anh T.
Khi đến gần cây xăng, ông Huy gặp con trai là Vũ An Dương đang đi xe máy trên đường nên gọi lại, kể cho nghe chuyện bị anh T. đánh.
Nghe bố kể, máu nóng dồn lên, Dương đi đến quán nước gần đó lấy thêm chiếc điếu cày rồi cùng bố quay lại cây xăng tìm anh T.
Đến nơi, thấy anh T. đang đổ xăng nên bố con Huy xông đến, dùng điếu cày vụt, dùng dùi đục đâm liên tiếp nhiều cái vào ngực, bụng đối phương. Anh T. vùng bỏ chạy nhưng vẫn bị bố con Huy dồn đuổi, đánh đập tiếp. Khi mọi người phát hiện can ngăn, đưa đi cấp cứu, anh T. đã bị tổn hại 62% sức khỏe.
Ân hận muộn màng
Bị đưa ra tòa xét xử, bố con Huy thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Bị cáo Huy khai, thấy bị hại tuy ít tuổi nhưng hỗn láo nên bị cáo nóng giận, không thể kiềm chế. Bị cáo khai mình có tiền sử tai biến, đột quỵ não từ năm 2016 nên tâm thần nhất thời bị ảnh hưởng, cư xử nóng nảy, bất thường.
Xã hội phát triển nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt. Có thể thấy các hình phạt hiện tại đã đủ sức nặng để răn đe đối với tội phạm này, nguyên nhân có thể do việc tuyên truyền pháp luật chưa được thực hiện một cách triệt để, có những người phạm tội nhưng lại không thể lường trước được là mình sẽ phải đối diện với những hình phạt gì trong tương lai. Luật sư Đặng Văn Cường |
“Sự việc đáng ra không có gì, nhưng hai bên đôi co nảy sinh mâu thuẫn, dẫn tới điều đáng tiếc”, bị cáo Huy nhìn nhận và nói lời xin lỗi bị hại.
Điều bị cáo Huy ân hận nhất là vì sự thiếu kiềm chế, hiểu biết khiến bản thân, đã kéo con trai vướng vòng lao lý.
Bị cáo thừa nhận những vết thương nghiêm trọng nhất gây ra với nạn nhân đều do mình thực hiện.
Bị cáo Dương trình bày vì thấy bố bị đánh, bức xúc nên tìm anh T. để đánh cảnh cáo.
Dương cũng ân hận vì đã nông nổi, không khuyên nhủ bố mình, dẫn đến hai bố con cùng nóng nảy mà vi phạm.
Là hai trụ cột của gia đình, có xưởng gỗ khang trang và công việc làm ổn định, giờ hai bố con dắt nhau vào lao lý, khiến cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn.
Tại phiên toà, những người thân của hai bị cáo sụt sùi nước mắt, chỉ biết dặn dò hai bố con cố gắng cải tạo tốt, sớm trở về cuộc sống bình thường.
HĐXX nhận định, bị hại cũng có một phần lỗi trong sự việc, nếu hai bên cư xử đúng mực thì đã không xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Kết quả, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Huy mức án 7 năm tù, Dương 5 năm tù về tội “Giết người”.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nhiều vụ án mạng xuất phát từ những nguyên nhân nhỏ trong cuộc sống nhưng hậu quả để lại đau lòng, có nạn nhân tàn tật, thậm chí tử vong; còn các bị cáo thì dính vòng lao lý.
“Thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu suy nghĩ về hậu quả do hành động của mình gây ra khiến nhiều người rơi vào vòng lao lý, đẩy cuộc sống của bản thân và gia đình họ vào hoàn cảnh trớ trêu, khó khăn”, luật sư Cường cho hay.
Phân tích dưới góc độ tội phạm học, PGS.TS. Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an cho rằng, mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống vẫn thường xảy ra, nhưng với những người nhận thức còn hạn chế, nhất là hạn chế về kiến thức về pháp luật thì khó điều chỉnh được hành vi, dễ gây ra tội ác.
Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện nay tác động vào xã hội, vào mỗi con người rất quyết liệt. Sức ép về việc làm, về mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc cũng chi phối giá trị sống của một bộ phận người dân, dẫn đến lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm. Khi những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện rất dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, ông Thìn cho rằng, cần đề cao vai trò giáo dục của gia đình; vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, phải nắm bắt tốt tình hình địa bàn, sớm hòa giải, giải tỏa các vấn đề vướng mắc có thể dẫn tới các hậu quả khôn lường.
Theo baogiaothong.vn