Hai bác sĩ Trung Quốc nhiễm Covid-19 thoát chết nhưng da đổi màu nâu
Bác sĩ Yi Fan và Hu Weifeng đã âm tính với virus nCoV sau hai tháng điều trị nhưng cả hai đều bị biến đổi màu da.
Bác sĩ tim mạch Yi và bác sĩ tiết niệu Hu bị phát hiện nhiễm virus nCoV vào ngày 18/1. Trước đó, họ đã tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc).
Hai bác sĩ được chăm sóc tại Bệnh viện Phổi Vũ Hán. Tại đây, họ phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) để đem oxy vào trong máu.
Bác sĩ Yi Fan đã được chuyển sang chế độ chăm sóc thông thường
Khi lần đầu nhìn thấy màu da kỳ lạ của mình, bác sĩ Yi đã hoảng sợ: “Khi tôi tỉnh lại, nhất là khi biết về tình trạng của mình, tôi đã thấy rất sợ. Tôi thường xuyên có những cơn ác mộng”.
Song Jianxin, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung cho hay, các bộ phận trong cơ thể của hai bệnh nhân đã bị tổn hại khi họ vật lộn giữ lại sự sống.
Chất sắt, đáng lẽ phải được lưu trong gan, đã tràn ra mạch máu của họ. Tỷ lệ sắt cao đã biến đổi màu da của bệnh nhân.
Tuy nhiên, bác sĩ Li Shusheng, người điều trị cho ông Hu, lại tin rằng màu da sẫm của hai bệnh nhân là tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, nhân viên y tế không tiết lộ tên của các loại thuốc đã được sử dụng.
Bác sĩ Hu Weifeng đang trong Khu Chăm sóc Tích cực
Vào tháng 3, các nhà nghiên cứu từng cảnh báo, virus có thể gây tổn thương gan ở các bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là những người bị nặng. Với những người bệnh nhẹ, gan không bị ảnh hưởng nhiều và sẽ bình phục mà không cần điều trị.
Bác sĩ Li Shusheng khẳng định, da của các bệnh nhân sẽ sớm trở lại bình thường.
Sau 100 ngày điều trị, bác sĩ Hu vẫn ở trong Khu Chăm sóc Tích cực (ICU) và mới chỉ bắt đầu nói được vào ngày 11/4.
Trong khi đó, bác sĩ Yi có tiến triển tốt hơn, đã ra khỏi ICU và được chuyển sang chế độ chăm sóc thông thường ở Bệnh viện Hữu nghị Nhật - Trung.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo dù đã khỏi bệnh nhưng những người từng nhiễm virus nCoV có thể bị tổn thương các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
“Covid-19 không chỉ là rối loạn đường hô hấp. Căn bệnh này còn có thể tác động tới tim, gan, thận, não, hệ tuần hoàn và tuyến nội tiết”, bác sĩ Harlan Krumholz, Đại học Yale (Mỹ), cho hay.
Y tá chống dịch Covid-19: ‘Tôi rút máy thở và giúp họ ra đi bình yên’
Nittla, y tá trưởng trong một bệnh viện ở Anh, là người chịu trách nhiệm rút máy thở của những bệnh nhân không còn cơ hội sống nữa.
An Yên (Theo The Sun, Daily Mail)