Hạ viện Mỹ thông qua thỏa thuận ngăn nguy cơ đất nước vỡ nợ
Theo quy trình, sau khi được Hạ viện thông qua ngày 31/5 (giờ Mỹ), dự luật trần nợ công hiện cần được trình lên Thượng viện Mỹ phê chuẩn trước khi có thể được Tổng thống Joe Biden ký duyệt thành luật.
CNN cho hay, tại Thượng viện, bất kỳ nhà lập pháp nào cũng có thể trì hoãn một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng và vẫn chưa rõ khi nào cuộc bỏ phiếu cuối cùng sẽ diễn ra.
Khung thời gian để thông qua dự luật tại Quốc hội hiện rất hạn hẹp và gần như không có chỗ dành cho sai sót. Điều này gây áp lực rất lớn lên giới lãnh đạo của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong bối cảnh các nhà lập pháp đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn nguy cơ đất nước vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử trước ngày 5/6, thời điểm Bộ Tài chính cho biết nước Mỹ sẽ không còn khả năng thanh toán đầy đủ và đúng hạn tất cả các nghĩa vụ nợ của quốc gia.
Việc đình chỉ trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD đến năm 2025 sẽ giúp loại bỏ nguy cơ Mỹ vỡ nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Ngoài việc giải quyết giới hạn nợ, dự luật còn hạn chế chi tiêu phi quốc phòng, mở rộng yêu cầu công việc đối với một số người nhận trợ cấp thực phẩm và thu lại một số quỹ cứu trợ Covid-19 cùng các điều khoản chính sách khác.
Nhà Trắng và phe Cộng hòa đã đạt thỏa thuận đình chỉ giới hạn nợ vào cuối tuần trước, sau quá trình đàm phán căng thẳng, kéo dài nhiều tuần.
AP đưa tin, theo thỏa thuận, chi tiêu phi quốc phòng của Mỹ sẽ gần như không thay đổi trong năm tài chính 2024 và tăng thêm 1% vào năm sau. Nhà Trắng ước tính, thỏa thuận cũng sẽ giảm chi tiêu của chính phủ ít nhất 1.000 tỷ USD. Khoảng 30 tỷ USD tiền cứu trợ đại dịch chưa được sử dụng, dù được Quốc hội phê duyệt trước đó, cũng sẽ bị hủy bỏ.
Nỗ lực đi đến thỏa hiệp được coi là một bài sát hạch khả năng lãnh đạo của Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ông Biden mô tả thỏa thuận này là một thỏa hiệp tốt cho nước Mỹ, ngăn chặn vỡ nợ có thể dẫn đến thảm họa suy thoái kinh tế. Trong khi, ông McCarthy coi thỏa thuận là sự cắt giảm chi tiêu mang tính lịch sử và những cải cách từ việc cắt giảm này sẽ giúp mọi người thoát khỏi nghèo đói, có thêm việc làm.
Tuấn Anh