Hà Nội sẽ áp dụng Chỉ thị 15+ thế nào?
Chỉ thị 15+ sẽ tập hợp các biện pháp chống dịch ở mức cao hơn so với Chỉ thị 15 của Thủ tướng, nhưng chưa đến mức chặt chẽ như Chỉ thị 16.
Sau ngày 6/9, Hà Nội thiết lập 3 vùng theo mức độ nguy cơ
Sau đợt giãn cách thứ ba, Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất; tiếp tục giãn cách "vùng đỏ" và các biện pháp cao hơn Chỉ thị 15 vùng “cam, xanh”
Ban Thường vụ Thành ủy vừa thống nhất chủ trương về việc thiết lập 3 vùng giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.
Trên cơ sở phân vùng, đối với khu vực có nguy cơ rất cao - “vùng đỏ”, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.
Tại các khu vực nguy cơ cao - “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn - “vùng xanh” được điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ” bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Nơi nào là "vùng xanh"?
Theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid 19, "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao) với cấp huyện là có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao; 50% số xã trở lên có nguy cơ cao hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã.
"Vùng cam" (nguy cơ cao) ở cấp huyện có 30% số xã trở lên có nguy cơ cao nằm rải rác trên địa bàn huyện; 50% số xã trở lên ở mức độ nguy cơ hoặc có 1 xã nguy cơ rất cao; có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 20% số xã.
"Vùng xanh" là các địa bàn không thuộc hai vùng nêu trên.
Quận Thanh Xuân và Đống Đa nhiều khả năng sẽ là vùng đỏ do số F0 tăng nhanh 14 ngày qua. (Ảnh: Đức Anh) |
Như vậy, "vùng đỏ" nhiều khả năng là các quận, huyện có chùm ca bệnh với số F0 cao, lây lan nhanh trong 14 ngày gần đây như Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì. Ngoài ra, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đan Phượng, Hoàng Mai có khả năng vào danh sách khu vực nguy cơ cao - "vùng cam" do 14 ngày gần đây vẫn xuất hiện ca nhiễm mới ở một số xã, phường.
Các khu vực còn lại của Hà Nội sẽ là "vùng xanh". Đây là những quận, huyện trong 14 ngày qua không có ca nhiễm như Cầu Giấy, Long Biên, Tây Hồ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Mỹ Đức, Ứng Hòa...
Theo số liệu từ CDC Hà Nội đến chiều 2/9, Hà Nội hiện còn 6 ổ dịch phức tạp là: Văn Chương (Đống Đa - 89 ca nhiễm), Văn Miếu (Đống Đa - 109), Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân - 393), chợ Ngọc Hà (Ba Đình - 16), Tân Lập (Đan Phượng - 16), ngõ 24 Kim Đồng (Hoàng Mai - 46).
Các khu vực còn lại của Hà Nội chỉ có một số nơi xuất hiện ca nhiễm lẻ, trong tuần qua chưa ghi nhận thêm các chùm lây nhiễm mới. Chỉ có quận Thanh Xuân xuất hiện thêm một số khu vực nguy cơ cao như phường Thanh Xuân Nam và Khương Mai.
Chỉ thị 15+ được áp dụng thế nào?
Trao đổi với Zing, một lãnh đạo TP Hà Nội cho hay Chỉ thị 15 và 15+ sẽ được quận, huyện chủ động quyết định, áp dụng linh hoạt đối với từng xã, phường để đảm bảo hiệu quả, khoa học nhất. Việc quyết định xem khu vực nào là vùng xanh, cam, đỏ, cũng sẽ được TP nghiên cứu kỹ, dựa trên các số liệu ca nhiễm, tình hình dịch cũng như các đặc điểm dân cư, xã hội để quyết định.
Hiện, việc giãn cách xã hội được thực hiện theo 3 văn bản là Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Đây là 3 mức độ giãn cách xã hội được các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động lựa chọn phù hợp với điều kiện dịch bệnh của địa phương mình.
Tuy nhiên, ở một số thời điểm đặc biệt, các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt mức độ giãn cách xã hội dựa trên 3 chỉ thị này, để có Chỉ thị 15+ (cao hơn Chỉ thị 15) và Chỉ thị 16+ (cao hơn Chỉ thị 16). Theo đó, Chỉ thị 15+ được áp dụng gần giống với Chỉ thị 15, nhưng tiệm cận với mức độ giãn cách ở Chỉ thị 16.
Nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội 14 ngày qua không có ca mắc Covid-19. (Ảnh: Hải Nam) |
Cụ thể, Chỉ thị 16 yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết (mua lương thực, cấp cứu, tiêm vaccine, công vụ, chống dịch). Ở Chỉ thị 15, người dân được khuyến cáo không ra ngoài khi không cần thiết, dừng mọi hoạt động thể thao, giải trí, văn hóa và không tụ tập quá 10 người nơi công cộng (Chỉ thị 16 là 2 người).
Cả 2 chỉ thị đều yêu cầu hàng, quán, cơ sở kinh doanh mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa. Cửa hàng bán thực phẩm, chợ dân sinh, siêu thị bán nhu yếu phẩm được phép hoạt động nhưng phải đáp ứng các yêu cầu chống dịch.
Chỉ thị 16 yêu cầu dừng hoàn toàn các loại hình vận tải hành khách công cộng, dừng việc di chuyển từ khu vực có dịch đến địa phương khác. Trong khi đó, Chỉ thị 15 chỉ hạn chế việc di chuyển giữa các địa phương có dịch, nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Sau thông báo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, dự kiến UBND Hà Nội sẽ có văn bản chính thức, quy định chi tiết phân vùng nguy cơ cũng như quy định cụ thể về Chỉ thị 15+ đối với vùng cam và xanh.
Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội từ 6h ngày 24/7 đến 6/9, Hà Nội sẽ kết thúc đợt giãn cách xã hội thứ 3 trong đợt dịch lần này với tổng cộng 45 ngày. Diễn biến dịch trên địa bàn còn phức tạp sau 5 tuần giãn cách với số ca nhiễm mới khoảng 50-60 ca/ngày.
Theo zingnews.vn