Hà Nội: Sau 'sốt nóng', biệt thự, liền kề vắng người ở; đất nền vùng ven 'hạ nhiệt'
Sau thời gian sốt nóng, giá tăng mạnh thì thời điểm thị trường lâm vào trầm lắng, nhiều biệt thự, nhà liền lề ở Hà Nội trong cảnh vắng bóng người; bên cạnh đó, giá đất nền vùng ven đô cũng có xu hướng giảm nhiệt…
Nhiều biệt thự, liền kề bị bỏ hoang, vắng người ở |
Trong 3 năm qua, giá nhà biệt thự, liền lề liên tục tăng giá mạnh, nhất là trong thời điểm thị trường bất động sản lên cơn “sốt nóng” như thời gian nửa đầu năm nay.
Theo một báo cáo thị trường mới đây cho thấy, giá biệt thự tăng 37%, giá nhà phố thương mại (shophouse) tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.
Nguyên nhân khiến giá biệt thự, liền kề tăng là do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi thị trường bất động sản lâm vào trầm lắng thì tại nhiều khu biệt thự và liền kề ở Hà Nội như: Khu đô thị Nam Cường, khu đô thị An Hưng, khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn... lại vắng bóng người ở.
Theo đó, hàng trăm căn biệt thự, liền kề tại khu đô thị Nam Cường (Hà Đông, Hà Nội) đã được xây dựng và bàn giao cho khách hàng từ khoảng năm 2018-2019. Tuy nhiên, đến nay, số lượng căn hộ chưa đưa vào sử dụng rất lớn. Nhiều căn liền kề, biệt thự đang rơi tình trạng bỏ không, cỏ mọc.
Tương tự, tại khu đô thị Đại Kim (Hoàng Mai), nhiều nhà biệt thự, liền kề cũng đóng cửa im ỉm, có chỗ treo biển bán suốt thời gian dài nhưng vẫn chưa có người mua.
Thị trường bất động sản trầm lắng khiến đất vùng ven Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, một số nhà đầu tư đã có động thái giảm giá rao bán để “đẩy hàng”.
Sau "sốt nóng", đất vùng ven đô lại "hạ nhiệt" |
Nếu như vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, thị trường nhà đất còn sôi nổi cảnh người bán, mua, các nhà đầu tư củ yếu tìm đất ven đô và dọc dự án đường Vành đai 4 dự kiến sẽ đi qua. Ngoài ra, các thị trường vùng ven như Hưng Yên, Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất… đều vào tầm ngắm của nhà đầu tư thì nay đang lâm vào tình trạng trầm lắng.
Giá đất ven đô nhiều nơi tăng quá nhanh, quá mạnh, có nơi giá đất tăng gấp 2,3 lần so với giá trị thực, khi gặp cảnh trầm lắng thì những nơi có giá đất tăng mạnh dường như bị “đóng băng” và bắt đầu có dấu hiệu “xì hơi”.
Tại các vùng ven như Sóc Sơn, Thạch Thất… không còn cảnh người đến mua, bán tấp nập như trước nữa, thay vào đó là tính cảnh vắng lặng. Để rút tiền ra, nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá để “đẩy hàng”
Tại khu vực Thạch Thất, một lô đất 65m2 nằm cách khu công nghệ cao Hoà Lạc 3km, cuối tháng 12/2021 được giao dịch với giá 1.2 tỷ đồng. Đến tháng 8/2022, lô đất này chỉ rao bán với giá tương tự, thậm chí chủ đất còn sẵn sàng gia lộc thêm.
Hay như khi cơn sốt đất bùng phát, giá đất trong ngõ ở khu vực La Phù (Hoài Đức) tăng lên mức 50 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay, khi thị trường rơi vào trầm lắng, giá đất trong ngõ ở La Phù giảm dần, hiện chỉ còn mức 30 – 40 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tại một số điểm nóng đất nền của Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm… giá đất thuộc những vị trí mặt đường lớn đã bắt đầu xuất hiện những lô đất được chào bán rẻ hơn từ 10 - 20% so với giá thị trường.
Còn đất Đại Mỗ, Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), mặt ngõ hai ô tô tránh nhau, cũng đã giảm nhẹ từ 65 - 67 triệu đồng/m2 xuống mức 60 - 63 triệu đồng/m2.
Đất nền Vân Canh (Hoài Đức), vị trí ngã 4 giao cắt vành đai 3,5, lô đất từng được chủ chào bán 90 triệu đồng/m2 thời điểm Quý I/2022 thì hiện tại giá chào bán là 85 triệu đồng/m2. Đất nền Đa Tốn (Gia Lâm) gần ngã ba đường lớn, giá chào bán của một số lô đất cũng đã giảm từ mức 53 - 60 triệu đồng/m2 xuống mức 50 - 55 triệu đồng/m2.
PV (t/h)
Cho phân lô, tách thửa trở lại, nhà đất Hà Nội liệu có xảy ra ‘sốt nóng'?
Nếu Hà Nội cho phân lô, tách thửa trở lại liệu thị trường đất nền có tái diễn tình trạng ‘sốt nóng’, giá nhà riêng lẻ có diện tích nhỏ 30-40m2 sẽ tăng giá không?