Hà Nội ghi dấu ấn trong xây dựng xã hội học tập
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết thời gian qua địa phương đã rất nỗ lực trong xây dựng xã hội học tập.
Hà Nội đã ghi dấu ấn với việc hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Cụ thể là: Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%); số cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt 100% (cả nước đạt 93,89%).
Ảnh minh họa |
Ngoài ra số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 50% (cả nước đạt 43,53%); số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%)…
Kết quả nổi bật của Hà Nội trong thời gian qua là những nỗ lực trong việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, từ năm 2012 đến năm 2020, số lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất đạt 87% (cả nước đạt 69,78%); số công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương đạt 98% (cả nước đạt 66,97%)…
Tại hội nghị, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã đóng góp quan trọng vào kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.
Theo đó, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 1; 21/63 tỉnh, thành phố (33,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3 và 11/63 tỉnh, thành phố (17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2; 3 tỉnh là: Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở ở mức cao nhất - mức độ 3.
Về xóa mù chữ, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; trong đó, 34/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong 8 năm qua, các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300 nghìn người trong độ tuổi 15-60.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án còn một số hạn chế; trong đó, nhận thức và trách nhiệm đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… còn chưa đồng bộ, đúng mức.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn.
Nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế...
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, giai đoạn 2021-2030, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt và liên thông; bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng tiếp cận giáo dục suốt đời, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Tại hội nghị, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm và đề nghị Bộ GD&ĐT cần quan tâm xây dựng hệ thống giáo dục mở, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh mô hình gắn kết giữa mạng lưới giáo dục thường xuyên với các trường đại học và doanh nghiệp; tập trung xây dựng mô hình công dân học tập.
Hoàng Thanh