Hà Nội: Dắt theo con nhỏ, chầu chực đến nửa đêm xin giấy đi đường
Nhiều người phải đi lại nhiều lần đến trụ sở công an phường/xã để hỏi thủ tục xin cấp giấy đi đường nhưng chưa xong vì không xác định được công việc thuộc nhóm nào.
20h ngày 6/9, tại Công an phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), nhiều người dân vẫn ngồi chờ làm thủ tục để xin cấp giấy đi đường.
Một số người chia sẻ họ đã phải ra đây rất nhiều lần để hỏi thủ tục xin cấp giấy đi đường nhưng chưa được vì không xác định được công việc của mình thuộc nhóm nào. Họ phải cố gắng làm hết các thủ tục, hoàn thiện giấy tờ theo quy định nộp tại công an phường ngay trong buổi tối và chờ kết quả, vì sợ sang ngày 7/9 sẽ không kịp có giấy mới thì khi ra đường.
Chị Nguyễn Thị Thảo (nhân viên một chi nhánh ngân hàng trên đường Mễ Trì cho hay, chiều 5/9, chị liên hệ với cán bộ Công an phường Mễ Trì để xin cấp giấy đi đường cho hơn 10 người tại chi nhánh ngân hàng nơi chị đang làm việc thì được hướng dẫn đến trực tiếp trụ sở công an để làm hồ sơ.
Sau hơn 1 ngày chuẩn bị đủ loại giấy tờ, tối 6/9, chị Nguyễn Thị Thảo mới hoàn thành đủ hồ sơ xin cấp giấy đi đường mẫu mới cho các nhân viên để nộp tại Công an phường Mễ Trì theo quy định mới của TP Hà Nội. |
Khoảng 21h30 cùng ngày 5/9, khi đã chuẩn bị các loại giấy tờ theo quy định, chị Thảo tới trụ sở Công an phường Mễ Trì để nộp nhưng được cho biết vẫn còn thiếu.
Cuối buổi chiều 6/9, chị Thảo được Công an phường mời tới giải quyết thủ tục. Vì số người xin cấp giấy đi đường khá đông nên chị phải chờ hơn 1 tiếng mới đến lượt.
Khoảng 18h chiều 6/9, chị Thảo đã nộp được hơn 10 hồ sơ cho Công an phường để ngày hôm sau (7/9) có thể được cấp "Giấy đi đường" có mã QR.
Không quá vất vả chạy đi chạy lại và chờ đợi như chị Thảo, nhưng chị Phạm Thị Yến (dược sĩ tại một phòng khám Hàn Quốc tại phường Mễ Trì) cho rằng việc nộp hồ sơ xin cấp giấy đi đường theo mẫu mới tương đối rối loạn.
“Hôm nay, tôi đến nộp hồ sơ cho 20 nhân viên trong phòng khám để có giấy đi lại. Tôi không có nhiều thời gian để chuẩn bị, 17h họ gọi cho tôi yêu cầu thế nào thì mình chuẩn bị như thế thôi. Nhưng tôi thấy quy trình đang tương đối rối loạn, chỉ sợ không kịp có giấy cho mọi người đi làm", chị Yến chia sẻ với PV khi vừa xong thủ tục tại trụ sở Công an phường Mễ Trì.
Chị Phạm Thị Yến dắt con đến nộp hồ sơ cho 20 nhân viên phòng khám để có giấy đi đường theo quy định mới. |
Theo Trung tá Nguyễn Quang Chung, Trưởng Công an phường Mễ Trì, địa bàn là 1 trong 8 phường của quận Nam Từ Liêm nằm trong vùng 1, áp dụng phòng, chống dịch theo Chỉ thị 20 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
“Với đặc điểm của phường Mễ Trì có nhiều tòa nhà văn phòng cho nên số lượng doanh nghiệp đông, nhu cầu ra đường của người dân và doanh nghiệp rất lớn. Do đó, Công an phường cũng phải gấp rút xử lý lượng hồ sơ xin cấp giấy đi đường rất lớn. Theo hồ sơ đăng ký, đơn vị cần cấp giấy cho khoảng 420 người thuộc các doanh nghiệp chỉ trong thời gian 2 ngày”, ông Chung thông tin.
Khi lượng người vào xin giấy quá đông, Công an phường Mễ Trì đã phải tạm đóng cửa, không tiếp dân. |
Cũng theo ông Chung, sau khi nhận chỉ đạo, Công an phường đã phối hợp cùng các lực lượng UB phường chuẩn bị máy móc, hạ tầng, cơ sở để phục vụ cho việc cấp phát: “Chúng tôi đã huy động lực lượng tối đa cho việc cấp phát giấy. Phường Mễ Trì hiện cũng đang thực hiện chốt cách ly và rất nhiều công tác phòng chống dịch.
Người dân chờ đến 1-2h đêm nhưng số lượng hồ sơ sau khi làm xong, nhập máy, gửi gmail thì phải đến sáng hôm sau. Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp”, Trung tá Chung nói.
Đêm muộn, vẫn còn rất nhiều người chờ làm thủ tục. |
Thông tin thêm với PV Infonet, Trung tá Nguyễn Quang Chung cho hay, việc cấp giấy với số lượng nhiều trong thời gian ngắn, có những công ty có hàng nghìn nhân viên nên có nhiều khó khăn. Việc đông người tụ tập xin giấy cũng gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Thời gian đầu, công an phường cũng tiếp nhận trực tiếp và giải thích cho dân nhưng sau ngày hôm qua số lượng nộp quá đông tới cả trăm doanh nghiệp đến nộp hồ sơ trong khi đó, tần suất giải quyết chỉ vào khoảng 3-4 doanh nghiệp.
“Ngày hôm nay chúng tôi đã sử dụng biện pháp phát phiếu thứ tự. Sau khi lấy thông tin xong, một là chúng tôi hẹn người dân khi nào vắng sẽ gọi đến lấy, hai là thông qua việc mẫu kê khai chúng tôi tương tác trực tiếp với người dân thông qua gmail và qua điện thoại, để đảm bảo người dân không mất quá nhiều thời gian trong việc chờ đợi”, Trung tá Nguyễn Quang Chung cho biết.
Liên quan đến phần mềm, thỉnh thoảng vẫn gặp lỗi, một số người dân và doanh nghiệp không theo hướng dẫn của công an, dẫn đến hệ thống không phản hồi lại. Cũng đã làm hướng dẫn chi tiết trên gmail để khi tương tác dễ hướng dẫn người dân. Đến chiều hôm nay nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được tình trạng này.
“Tuỳ vào loại hình doanh nghiệp, với những doanh nghiệp phục vụ ngành hàng thiết yếu tir lệ sẽ cao hơn, các doanh nghiệp khác cần người để bảo vệ, công việc thiết yếu khác thì ít hơn. Sau khi TP triển khai việc này , số lượng người ra đường ít nhất phải giảm đi 50% qua theo dõi tiếp nhận hồ sơ, nhận thấy lượng người ra ngoài trước đây quá đông”, Trung tá Nguyễn Quang Chung cho biết thêm.
Nhiều người ra đây với hỏi công ty mình làm thuộc nhóm nào với điền vào thông tin tờ khai. |
Người dân ngồi chờ đợi cấp "Giấy đi đường có mã" QR code tại trụ sở Công an phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) |
Bên trong, các cán bộ Công an phường Mễ Trì hướng dẫn người dân hoàn thành các thủ tục để xin cấp "Giấy đi đường". |
Từ ngày 6/9, thành phố áp dụng giấy đi đường theo mẫu mới (có mã nhận diện QR). Người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ hoạt động công vụ hoặc công ích thiết yếu sẽ do Công an xã, phường, thị trấn cấp giấy.
Đây là lần thứ 4 trong vòng 45 ngày kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thành phố Hà Nội thay đổi phương thức cấp, đổi giấy đi đường.
Trước đó, hồi đầu tháng 8 cũng diễn ra cảnh người dân xếp hàng trong đêm tại một số trụ sở UBND phường để xin thủ tục xác nhận giấy đi đường, khi thành phố yêu cầu người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc. Tuy nhiên chỉ một ngày sau, Hà Nội đã có văn bản điều chỉnh, bỏ yêu cầu trên, thay vào đó người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) kèm theo giấy đi đường do đơn vị cấp theo mẫu thành phố.
Bảo Khánh