Hà Nội: Chính thức thông xe 6 nhánh lên xuống đường vành đai 3
Bắt đầu từ ngày 27/12, thông xe các nhánh lên xuống đường trên cao vành đai 3, (đoạn Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Hà Nội).
Bắt đầu từ ngày 27/12, sáu nhánh đường lên xuống đường vành đai 3 (đoạn Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Hà Nội) thông xe, giúp giảm tải lưu lượng xe cho các nút giao Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, khu đô thị Ciputra.
Sau thời điểm thông xe, các phương án tổ chức giao thông được xây dựng, trong đó nhà thầu vận hành và duy trì hệ thống chiếu sáng ban đêm liên tục.
Bắt đầu từ ngày 27/12, thông xe các nhánh lên xuống đường trên cao vành đai 3. |
Theo thiết kế ban đầu, dự án chỉ đầu tư cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, không xây dựng các nhánh lên, xuống tuyến đường. Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án còn dư vốn nên Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt bổ sung 6 ram với kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Với các nhánh lên xuống, mỗi chiều xe chạy gồm một làn xe cơ giới rộng 3,5m, một làn xe dừng khẩn cấp rộng 2m và dải an toàn bên trong rộng 0,5m. Theo phương án phân luồng tổ chức giao thông của Sở GTVT Hà Nội, các nhánh đường lên xuống cấm xe đạp, xe máy, xe thô sơ và người đi bộ.
Hạng mục 6 nhánh ram kết nối lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao được khởi công từ tháng 10/2020 tại khu vực Hoàng Quốc Việt dài 247m; khu vực Cổ Nhuế dài 330m và khu vực Nam Thăng Long dài 222m. Mỗi nút giao này sẽ được xây dựng 2 ram lối lên và lối xuống, gồm một làn ô tô và một làn khẩn cấp.
Sáu nhánh lên xuống cầu cạn Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, có tổng múc đầu tư 200 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10/2020. |
Các nhánh lên xuống đường Vành đai 3 trên cao được đặt tại Hoàng Quốc Việt (dài 247 m); khu vực Cổ Nhuế (dài 330 m) và khu vực Nam Thăng Long (dài 222 m). |
Mỗi nút giao được xây dựng hai nhánh lối lên và lối xuống, gồm một làn xe cơ giới rộng 3,75 m, một làn xe dừng khẩn cấp rộng 2,5 m và dải an toàn bên trong rộng 0,5 m. |
Theo thiết kế ban đầu, dự án chỉ đầu tư cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, không xây dựng các nhánh lên, xuống tuyến đường. Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án còn dư vốn nên Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt bổ sung làm các lối lên xuống. |
Trước đây, khi chưa có các nhánh lên xuống, phương tiện trên cầu cạn muốn quay đầu sẽ phải đi hết cầu Thăng Long, sang phía huyện Đông Anh. Do quãng đường xa, nhiều ôtô bất chấp nguy hiểm quay xe ngay phía đầu cầu. Các nhánh lên xuống mới được thi công giúp khắc phục tình trạng này. |
Theo phương án phân luồng tổ chức giao thông của Sở GTVT Hà Nội, các nhánh đường lên xuống cấm xe đạp, xe máy, xe thô sơ và người đi bộ. |
Khác với đường trên cao Pháp Vân - Mai Dịch chỉ lưu thông tối đa 80km/h, ở đoạn đường trên cao Mai Dịch - cầu Thăng Long xe ô tô được chạy với tốc độ tối đa 100km/h. Khu vực lên xuống các nút giao được cắm biển báo hướng dẫn để phương tiện đi lại. |
Sau khi đi lên đường trên cao ở nút Mai Dịch, người tham gia giao thông có thể xuống ở nút giao Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế (Đỗ Nhuận) hoặc cổng khu đô thị Ciputra, không phải chạy đến hết cầu Thăng Long (dài 5,5km) mới có thể quay đầu. |
Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện phân luồng, tổ chức giao thông để phương tiện đi lại như sau: Tại nút giao đầu tuyến là Mai Dịch: phương tiện ô tô từ đường Phạm Hùng và từ trục Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu có thể kết nối vào cao tốc tại điểm kết nối sau nút giao Mai Dịch.
Phương tiện đi trên đường cao tốc từ cầu Thăng Long về nút giao Mai Dịch có thể ra khỏi cao tốc tại vị trí trước nút Mai Dịch để kết nối với trục đường Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, hoặc đi vào cầu vượt dành cho đường đô thị (cầu vượt Mai Dịch) để vượt nút.
Tại nút giao thông tại nút giao Hoàng Quốc Việt: Phương tiện từ đường Phạm Văn Đồng, đường Trần Quốc Hoàn có thể kết nối vào cao tốc tại nhánh lên Hoàng Quốc Việt (nhánh HQV-A) đi cầu Thăng Long, Nội Bài. Phương tiện đi trên đường cao tốc từ cầu Thăng Long - Mai Dịch có thể ra khỏi cao tốc tại nhánh xuống của nút giao (nhánh HQV-B) để kết nối với đường Phạm Văn Đồng đi Hoàng Quốc Việt hoặc trục đường Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu.
Khu vực nút giao trục Tây Thăng Long (Cổ Nhuế), phương tiện từ đường Phạm Văn Đồng, Đỗ Nhuận (trục Tây Thăng Long) lên cao tốc tại nhánh lên của nút giao Tây Thăng Long (nhánh CN-A); phương tiện đi trên đường cao tốc từ nút giao Mai Dịch – cầu Thăng Long có thể ra khỏi cao tốc tại nhánh xuống của nút giao Tây Thăng Long (nhánh CN-B) để kết nối với đường Phạm Văn Đồng đi Đỗ Nhuận, công viên Hòa Bình.
Tại nút giao Nam Thăng Long (Ciputra), phương tiện đi trên đường cao tốc từ nút giao Mai Dịch hướng về cầu Thăng Long có thể ra khỏi cao tốc tại nhánh xuống của nút giao Nam Thăng Long (nhánh STL-D) để kết nối với đường Phạm Văn Đồng, khu đô thị Ciputra, đường Tân Xuân, đường Nguyễn Hoàng Tôn đi cầu Nhật Tân; phương tiện từ đường Phạm Văn Đồng, Tân Xuân, khu đô thị Ciputra, đường Nguyễn Hoàng Tôn có thể kết nối vào cao tốc tại nhánh lên của nút giao Nam Thăng Long (nhánh STL-C) đi Mai Dịch.
Khu vực cuối tuyến tại (cầu Thăng Long), phương tiện đi trên đường cao tốc hướng từ Mai Dịch đi thẳng cầu Thăng Long, Nội Bài; các phương tiện đi trên đường Phạm Văn Đồng hướng từ Ciputra, Nguyễn Hoàng Tôn, Đông Ngạc, Tân Xuân đi cầu Thăng Long, Nội Bài theo nhánh A; phương tiện đi trên đường Tân Xuân đi cầu Thăng Long, Nội Bài theo nhánh E; phương tiện đi trên đường cao tốc hướng từ Nội Bài, cầu Thăng Long đi đường Phạm Văn Đồng, Ciputra, Nguyễn Hoàng Tôn, Đông Ngạc, Tân Xuân rẽ phải theo nhánh B đi xuống đường Phạm Văn Đồng; phương tiện đi trên đường cao tốc hướng từ Nội Bài, cầu Thăng Long đi thẳng trên đường cao tốc đi Mai Dịch.
Bảo Khánh