Hà Giang: Nông dân xã nghèo hiến đất làm đường
Bản Rịa là xã nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Quang Bình, có 4 thôn bản, gồm: Bản Thín, Bản Rịa, Bản Măng và Minh Tiến với gần 400 hộ dân, 1.816 khẩu, 100% là dân tộc thiểu số. Thời gian qua, nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của bà con nhân dân, cái đói, cái nghèo đang dần được đẩy lùi.
Chúng tôi đến Bản Rịa vào những ngày cuối thu, con đường từ trung tâm huyện đến xã dài 16 cây số, xe máy đi cũng mất cả tiếng đồng hồ nếu trời nắng ráo, còn trời mưa thì đành “cuốc bộ” vì bùn lầy, trơn trượt. Anh Mai Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã, cho hay: “Bản Rịa không phải xã xa thị trấn nhất nhưng lại là xã khó đi nhất so với các xã khác, là xã duy nhất chưa có đường bê tông đến trung tâm xã. Dăm bảy năm về trước, tư duy bà con rất lạc hậu, đã nghèo khó lại không nghĩ cách vươn lên, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 50%, nhiều người còn đọc lái tên xã thành “Bản Rượu” cũng là vì thế”.
Người dân thôn Minh Tiến làm tuyến đường 1,3 km từ trụ sở thôn ra ngã ba Bản Măng. |
Tuy nghèo, khó là vậy, nhưng vài năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ về chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thi đua lao động sản xuất, phát triển KT-XH với những chương trình, đề án cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực. Xác định “muốn phát triển kinh tế thì phải làm đường”, “ưu tiên thôn xa, thôn khó trước”, xã tập trung một phần nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình xây dựng Nông thôn mới vào xây đường đường bê-tông nông thôn, nâng cấp một số đoạn đường hư hỏng nặng: Nâng cấp đường bê tông được 2 km; tuyến đường từ xóm I đi thôn Bản Măng dài 1,7 km với tổn kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng đã thi công được 500m; tuyến đường từ trụ sở thôn Minh Tiến đến ngã ba Bản Măng dài 1,3 km, tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng, đã hoàn thành được 900m. Lau vội những giọt mồ hôi trên mặt, nhanh tay đổ xô đá vào máy trộn bê-tông, anh Vương Đức Nam ở thôn Minh Tiến vui vẻ: “Là thôn đặc biệt khó khăn với 40/61 hộ nghèo nên cuộc sống của bà con được lãnh đạo, cán bộ xã quan tâm rất nhiều. Trước đây, đường từ thôn ra xã vừa đất lẫn đá hộc rất khó đi, nắng thì bụi, mưa thì trơn trượt, vừa lầy lội lầy. Bởi vậy, đầu năm nay khi có thông tin mở đường từ đến ngã ba Bản Măng dài hơn một cây số, bà con phấn khởi lắm. Khởi công từ đầu tháng 7 đến giờ, các hộ cử người thay nhau, góp công góp sức đi làm đường từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa mới nghỉ, để sớm có đường mới đi lại thuận tiện hơn”.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển đường giao thông nông thôn, Bản Rịa đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân bằng những chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tiêu biểu như: Chương trình đầu tư có thu hồi đã giải ngân cho dân vay 98 triệu đồng để mua lúa giống và phân bón; Chương trình 135 hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo 37.000kg phân bón; thực hiện dự án nuôi trâu sinh sản với 18 hộ tham gia, mỗi hộ 1 con trâu sinh sản, nay đã được 19 nghé... Năm nay, dự tính thu nhập bình quân đầu người của xã sẽ đạt 10,7 triệu đồng/năm (tăng 3,3 triệu đồng so với năm 2014), tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 45% (giảm 1 % so với năm 2013). Cùng với đó, xã cũng quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo, duy trì tốt sỹ số học sinh, thực hiện tốt chế độ đối với học sinh bán trú dân nuôi, nâng cao chất lượng dạy và học: Trong năm học 2015 – 2016, tỷ lệ động trẻ từ 3 – 5 tuổi, 6 tuổi vào lớp 1 và từ 6 – 14 tuổi đến trường đều đạt 100%. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân đạt 86% với 1.300 lượt người. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, đảm bảo an ninh trật tự được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia...
Những kết quả đó đã cho thấy sự đổi thay tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân Bản Rịa. Chủ tịch UBND xã, anh Nguyễn Anh Thùy cho biết: “Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới; triển khai các đề án hỗ trợ bà con phát triển kinh tế; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào “3 cây, 3 con” (trồng lúa, chè, rừng và nuôi trâu, lợn, dê) phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương”.