Gỡ “điểm nghẽn”, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam
Ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam với sự tham dự trực tuyến của 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du lịch Việt Nam đã tăng trưởng nhanh và đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giao lưu quốc tế.
Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến ngành Du lịch. Lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và doanh thu du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3.500 lượt.
Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Hoạt động du lịch dần khôi phục trở lại.
Trong khi du lịch nội địa diễn ra sôi động tại nhiều địa phương trên cả nước thì hoạt động du lịch quốc tế vẫn khôi phục chậm. Năm 2022, cả nước đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế.
Phân tích nguyên nhân của hiện trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng còn ít khách du lịch quốc tế vào Việt Nam một phần là do tác động của tình hình xung đột, diễn biến dịch và chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của một số nước, và một phần cũng do nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa phát huy hiệu quả. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam còn hạn chế, trong khi chính sách visa chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú ở Việt Nam...
Theo kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cần có một chương trình phát triển du lịch mang tổng thể quốc gia để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, thu hút nhiều khách du lịch hơn. Trong đó, triển khai đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch; thúc đẩy xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường, chuỗi cung ứng du lịch; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào phát triển du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và ngành liên quan về vốn, thuế, phí để đầu tư khôi phục, phát triển du lịch; mở thêm các đường bay tạo điều kiện cho khách du lịch đến các điểm du lịch thuận lợi...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tích đạt được cũng như chia sẻ với những khó khăn của ngành Du lịch và các ngành, đơn vị trong thời gian qua.
Thủ tướng khuyến nghị, muốn du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới trong lĩnh vực du lịch theo hướng “cung cấp những dịch vụ du lịch mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có” để có bứt phá về du lịch trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, giữa du lịch Việt Nam, du lịch khu vực và thế giới có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực.
Cùng với đó, phát triển du lịch luôn gắn với kinh tế, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Việc phát triển du lịch phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam; phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt, thích ứng, luôn đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.
“Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp. Phát triển du lịch cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và có sự cạnh tranh phát triển bình đẳng, lành mạnh giữa các ngành, doanh nghiệp”, Thủ tướng chỉ đạo.
“Chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về du lịch, làm sao để du khách quốc tế đến với Việt Nam thực sự cảm nhận “Trăm nghe không bằng một thấy”, đến một lần muốn đến lần thứ hai, đến một lần rồi nhớ mãi, người này đến lại truyền cảm hứng cho nhiều người khác đến”, Thủ tướng nói thêm.
Việt Hà