Giữa mùa hè mà sao bàn chân vẫn lạnh buốt?
Người để chân bị lạnh qua đêm sẽ dẫn tới thận bị tổn thương, tỳ dương hư sáng sớm ngủ dậy sẽ đau quặn bụng, đi ngoài tiêu chảy…
Chị Hoa (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mới ngoài 30 nhưng chị sợ “rét” như cụ già. Gan bàn chân chị lúc nào cũng lạnh buốt bất kể mùa đông, mùa hè, kể cả khi ngủ. Khốn khổ hơn, cô con gái 8 tuổi cũng thừa hưởng “gen” di truyền của mẹ. Chân con lúc nào cũng cảm giác lạnh buốt.
“Không biết có phải vì thế không mà cả hai mẹ con đều rất khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Chưa kể nếu hôm nào đi ngủ quên không đi tất thì sáng sớm ngủ dậy bao giờ cũng bị đau quặn bụng, thậm chí đi ngoài phân sống”, chị Hoa băn khoăn.
Người phụ nữ này cũng đã cất công lên mạng tìm hiểu “chứng bệnh của mình” và giật mình khi biết gan bàn chân như “trái tim thứ hai” của cơ thể. Nếu để bị lạnh thì sẽ kéo theo nhiều bộ phận khác lạnh theo.
Giữa mùa hè mà sao bàn chân tôi vẫn lạnh buốt? (ảnh minh hoạ) |
Để khắc phục tình trạng này, chị Hoa đi tất chân cả ngày đêm. Mùa đông thì không sao, nhưng mùa hè thì rất bất tiện. Mà oái oăm hơn mà chị Hoa phải chịu đựng là chỉ lạnh gan bàn chân trong khi mu và phần cổ chân thì lại hoàn toàn bình thường.
Chị đến viện khám với hy vọng bác sĩ tìm ra cách ấm gan bàn chân mà không phải đi tất trong mùa hè.
Ths.BS Dương Văn Tâm (BV Châm cứu Trung ương) cho biết, nói 'lòng bàn chân là trái tim thứ hai của cơ thể' là hoàn toàn chính xác, chứ không phải là câu ví von thông thường.
'Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người quá quan tâm đến các bộ phận khác mà không chú ý đến giữ gìn đôi bàn chân, cụ thể ở đây hai lòng bàn chân', Ths. BS Văn Tâm cảnh báo.
Theo đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng đôi bàn chân liên quan đến nhiều bộ phận trong cơ thể, vì thế việc bảo vệ, giữ ấm bàn chân là rất quan trọng. Mỗi bàn chân có chứa rất nhiều dây thần kinh và nhiều mạch máu liên kết đến tim, cột sống, não, gan, thận… Do vậy, nếu đôi bàn chân bị lạnh sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, nhất là lục phủ ngũ tạng.
Ví dụ cụ thể như người để chân bị lạnh qua đêm sẽ dẫn tới thận bị tổn thương, tỳ dương hư sáng sớm ngủ dậy sẽ đau quặn bụng, đi ngoài tiêu chảy, Ths. BS Văn Tâm cho hay.
Đối với trường hợp hai mẹ con chị Hoa, BS Tâm cho biết việc đi tất trong mùa hè cảm thấy khó chịu thì có thể làm ấm đôi chân bằng nhiều cách. Cách làm vừa an toàn, vừa tốt cho sức khỏe đó là pha muối với nước ấm, sau đó ngâm chân trước khi đi ngủ. Ngoài ra, có thể dùng các loại thảo dược, gừng đun nóng sau đó ngâm chân cũng giúp làm ấm đôi bàn chân rất tốt.
“Không chỉ có vậy, làm ấm đôi bàn chân có thể bằng những tác động cơ học, ví dụ như xoa bóp bấm huyệt ở đôi bàn chân cũng giúp chân được ấm hơn. Một cách khác có thể áp dụng đó là trước khi ngủ nếu chân lạnh có thể xoa hai lòng bàn chân vào với nhau, cách này cũng giúp làm chân ấm rất nhanh, không tốn nhiều công sức hay tiền bạc”, BS Tâm cho hay.
Ngoài ra, nếu có điều kiện có thể dùng túi chườm ấm để mát xa, làm ấm hai lòng bàn chân. Theo bác sĩ, tùy điều kiện kinh tế, thời gian mỗi người có thể lựa chọn một cách áp dụng khác nhau. Tuy nhiên, việc giữ ấm đôi bàn chân là vô cùng cần thiết cho mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi.
N. Huyền