Cúng dường tiền mặt ở chùa Ba Vàng: GS Trần Lâm Biền khẳng định 'không dâng tiền lên Tam Bảo được'
“Những bát ấy chỉ đựng bố thí về thức ăn của chúng sinh chứ không phải cho tiền vào đó”, GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu Di sản văn hoá nêu quan điểm trước ồn ào cúng dường tiền mặt ở Chùa Ba Vàng.
Mấy hôm nay, mạng xã hội ồn ào trước “lời qua, tiếng lại” giữa hai nhà sư Thích Trúc Thái Minh (trụ trì Chùa Ba Vàng) và Thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam).
Sự việc bắt đầu khi xuất hiện clip lan truyền trên mạng xã hội sau rằm tháng 7, ghi lại hoạt động cúng dường diễn ra tại chùa Ba Vàng, TP Uông Bí (Quảng Ninh).
Trong clip có thể thấy rất đông người dân xếp hàng hai bên đường, nhiều người lớn tuổi còn quỳ rạp xuống khi đoàn chư tăng đi qua để dâng lên những vật phẩm như hoa, bánh kẹo... và tiền mặt. Những người đi cùng đoàn các chư tăng lần lượt thu tiền và vật phẩm từ tay người dân.
Hình ảnh đưa tiền mặt, vật phẩm cho các chư tăng ở chùa Ba Vàng được đưa lên mạng xã hội gây ra nhiều phản ứng khác nhau. |
Đoạn clip nhanh chóng thu hút nhiều ý kiến tranh luận trái chiều từ cộng đồng mạng. Rất nhiều người cho rằng hoạt động cúng dường là điều bình thường nhưng nên đưa vào hòm công đức để tránh phản cảm.
Vấn đề trở nên căng thẳng hơn khi trang Facebook cá nhân của trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh đã phản ứng gay gắt trước phát ngôn của Thượng tọa Thích Nhật Từ khi cho rằng: "Cúng dường như ở chùa Ba Vàng là không phù hợp”, “cần tránh hiện tượng tương tự”.
Khất thực, cúng dường như thế nào mới đúng?
Trao đổi với phóng viên Infonet, GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu Di sản văn hoá, cho hay: "Khất thực nằm trong sự bố thí. Ngày xưa người ta không chú ý đến đồng tiền. Những bát ấy chỉ đựng bố thí về thức ăn của chúng sinh thôi chứ không phải cho đồng tiền vào đó.
Khi người ta đã nói đến khất thực thì thực không phải đồng tiền mà là thức ăn. Đồng tiền không phải cho như thế, nhà sư lại càng không cầm, nhặt như thế”.
Ông Biền cho rằng nếu Phật tử có tâm, muốn công đức thì có chỗ để của nó rồi chứ không phải bỏ vào trong bát của nhà sư đi khất thực.
“Bởi vì đồng tiền bản thân không mang tính chất sạch sẽ. Đã không sạch sẽ thì làm sao cúng dường lên Tam Bảo được”, GS Trần Lâm Biền phân tích.
Không ngại va chạm ông Biền cho rằng “theo như tôi biết hình ảnh các nhà sư nhận tiền không tương đồng với việc phát động tính tốt đẹp của dân chúng là tính bố thí”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định việc cúng dường trên là chưa chuẩn, không phù hợp với triết lý và truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết việc cúng dường ở mỗi nước sẽ khác nhau tùy theo truyền thống Phật giáo nước sở tại.
“Trước kia, Đức Phật cũng có đi khất thực nhưng không tiếp nhận tiền tài, hoa, chủ yếu chỉ nhận thức ăn, đồ dùng. Các sư đi khất thực cầm chiếc bát, khi nhận đủ thức ăn trong bát sẽ không lấy thêm nữa”, hòa thượng Thích Gia Quang giải thích.
Nóng rẫy chuyện cúng dường tiền mặt ở Chùa Ba Vàng, lời qua tiếng lại của các nhà tu hành triệu follower
Cư dân mạng xôn xao về những thông tin xoay quanh các phát ngôn của Trụ trì Chùa Ba Vàng liên quan tới hoạt động khất thực
N. Huyền