Cô bé 6 tuổi loi choi quay clip TikTok kỳ quặc, chuyên gia tâm thần cảnh báo chứng 'nghiện' thế giới ảo
Không chỉ bắt chước những "trend" nổi tiếng, bé gái 6 tuổi dù chưa đọc viết thông thạo đã tự nghĩ ra những trò kỳ quặc khác người, kèm những lời vô nghĩa để quay clip TikTok.
Trẻ mê mẩn xem TikTok thành "nghiện"
Việt Nam có số lượng người dùng TikTok cao nhất Đông Nam Á. Cuối tháng 3/2020, có 13 triệu người Việt sử dụng mạng xã hội này. Độ tuổi chủ yếu của người dùng là từ 13-24 tuổi, dễ thấy là lứa tuổi của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên trên thực tế thì rất nhiều trẻ dưới 13 tuổi đã "lách luật" giới hạn độ tuổi để tham gia mạng xã hội này.
Đằng sau sự hấp dẫn và vui nhộn mà TikTok mang lại thì nó cũng đang chứa đựng những mặt trái vô cùng nguy hiểm với hàng loạt video liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như ma túy, tình dục, bạo hành động vật... cùng không ít thông điệp sai trái.
Các trào lưu "làm mưa làm gió" xuất hiện ngày một nhiều hơn trên TikTok. Tuy nhiên, không phải trào lưu nào cũng mang tính giải trí, tích cực mà còn xuất hiện những trào lưu "độc hại".
Không ít người xem đã cảm thấy hoang mang trước các video khoe cơ thể với các mô tả gợi tình trên TikTok. Đáng lo nhất là người đăng video còn rất trẻ, nhiều nữ sinh mới học cấp 2, cấp 3.
Nhiều phụ huynh lo lắng cho con em phát triển nhân cách lệch lạc khi xem phải những video "độc hại" nhưng lại gặp khó khi kiểm soát con tham gia mạng xã hội.
Chị Thu Hằng (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, nhiều tháng nay chị luôn đau đầu vì cô con gái mới vào lớp 1. Do dịch bệnh nên con không được đi học trực tiếp mà phải học online ở nhà. Bố mẹ bận đi làm, anh lớn bận học, cô bé không có gì chơi nên ở nhà thường xem tivi, điện thoại hoặc iPad của anh.
Biết là cho con nhỏ tiếp xúc thời gian dài với các thiết bị công nghệ thì không tốt nhưng chị Hằng cũng phải chấp nhận vì "không có cách nào khắc phục". Con gái chị Hằng cá tính, không thích học như anh trai nên chị cũng không đòi hỏi, ép con vào khuôn khổ ngay.
Hơn 3 tháng trước chị Hằng té ngửa khi đang đi làm thì con trai lớn gửi cho mẹ hình ảnh em gái trong khi ngồi học bài đã lên mạng tìm kiếm hướng dẫn "trốn học, nghỉ học". Tối ấy, chị Hằng tỉ tê hỏi thì cô bé nói lý do là vì hôm trước đã xem video của một chị hướng dẫn trốn học online trên TikTok nhưng chưa nhớ hết.
Con gái 6 tuổi của chị Hằng tìm kiếm "cách trốn học online". |
Trao đổi với phóng viên Infonet, TS. BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, "nghiện" TikTok sẽ để lại những hậu quả nguy hiểm, gây hại cho trẻ nói chung, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nguy hiểm nhất là việc trẻ chưa phân biệt đúng, sai đã bắt chước theo những clip sai lệch. Dù các clip trên TikTok có thời lượng ngắn, đa số là giải trí nhưng đôi khi có những clip ở nước ngoài còn quay lại những hành vi vi phạm pháp luật hoặc thực hiện những trò gây nguy hại đến sức khỏe những người làm theo.
“Giống như chơi game bạo lực dễ gây bạo lực ngoài thực tế, trẻ nghiện game bạo lực thấy máu đổ, chém giết là như không, không cảm xúc. Điều này được thể hiện ra cuộc sống thường ngày của trẻ sẽ rất nguy hiểm.
TikTok nội dung tốt không sao nhưng với những nội dung không tốt, phản cảm, thiếu tính giáo dục thì cũng không thể nào ngăn chặn kịp nếu trẻ bị dính vào. Nghiện ngập và bắt chước cũng thành thói quen khó bỏ, nhiều người thích xem cũng làm TikTok theo mà không thích gì khác nữa.
Trẻ mê mẩn những clip đó rồi sẽ thành thói quen xấu, chiếm mất thời gian để học những thứ khác trong khi trẻ cần được phát triển nhiều kỹ năng sống quan trọng”, TS Hồng Thu cho hay.
Nhiều trẻ em đã sớm tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội. (ảnh minh họa) |
Bố mẹ can thiệp càng sớm càng tốt
Theo TS Hồng Thu, hiện việc "nghiện" TikTok chưa được quy vào bệnh lý nhưng cũng đã có bệnh nhân được người nhà đưa đến khám do lạm dụng các thiết bị điện tử, quá mê TikTok. Hầu hết các trường hợp này chỉ dừng ở việc được bác sĩ khám, tư vấn rồi về chứ không vào viện điều trị.
“Có những người quen của tôi đã đưa con đến nhờ tư vấn, giống như nghiện chơi game ấy, trẻ cũng bị cuốn hút vào thế giới ảo mà bị mai một những kỹ năng khác. Trẻ cũng bị ảnh hưởng nhiều đến nhận thức, dáng vẻ lơ ngơ”, TS Hồng Thu cho hay.
Theo chia sẻ của TS Hồng Thu, từng có phụ huynh đưa con học lớp 1 đến nhờ bác sĩ tư vấn. Phụ huynh này than phiền vì con gái suốt ngày xem TikTok trên điện thoại mà bố mẹ đưa cho để học online. Sau đó, bé cũng bắt đầu làm các video, nhờ bố mẹ quay hình cho mình.
Cô bé bắt chước theo những clip nổi tiếng trên TikTok với những câu hát dễ thương trong bài “Tình bạn diệu kỳ” với những động tác phụ hoạ giống y chang. Mới đầu bố mẹ bé thấy việc con bắt chước rất giống thì có phần “thán phục”, để kệ cho con vui vẻ nhưng càng ngày con càng lạm dụng.
Dần dà con bắt đầu không cần bố mẹ quay clip giúp mà tự quay. Chiếc điện thoại cho con dùng để học trực tuyến hàng ngày thì nay toàn các clip TikTok của con. Đáng ngại hơn, không chỉ bắt chước những "trend" nổi tiếng trên TikTok, bé tự nghĩ ra những động tác để nhảy nhót, làm những trò hết sức kỳ quặc, nói những câu vô nghĩa… để "sản xuất" clip. Việc học hành chểnh mảng, sểnh ra là bé vồ lấy điện thoại để quay TikTok.
Ngày càng có nhiều trẻ em tiếp cận, "lách luật" tham gia TikTok dù mạng xã hội này giới hạn độ tuổi người dùng phải trên 13 tuổi. |
Theo TS Hồng Thu, trong trường hợp trẻ "nghiện" TikTok, bố mẹ phải đồng hành, sát sao hơn với con. Điều này đồng nghĩa với việc bố mẹ phải mất thời gian hơn để kéo con ra chứ không nên mặc kệ con với các thiết bị điện tử thông minh và muốn làm gì thì làm.
“Ban đầu các phụ huynh có thể hạn chế bằng cách coi đó như phần thưởng: con phải tập viết, tập vẽ, hoàn thành bài tốt thì bố mẹ sẽ thưởng cho được phép chơi TikTok trong khoảng thời gian cụ thể. Phụ huynh cấm một cách đột ngột mà không có gì thay thế, không có gì để vui thú thì trẻ rất suy sụp.
Còn về lâu dài thì phải có lộ trình chấm dứt hẳn. Bởi khi bố mẹ còn coi nó như một phần thưởng thường xuyên thì trẻ vẫn háo hức, vẫn cứ nghĩ đến. Mà muốn con quên hẳn thì phải có những cái khác thay thế vào đó.
Việc này cơ bản phải dứt hẳn giống như cai nghiện game. Bởi vì tâm lý khi đã nghiện cái gì, sau thời gian bị cấm đoán được chơi lại thì thường có mong muốn được chơi nhiều hơn. Cứ như thế, xu hướng lại tăng dần, nhiều lên rất dễ tái nghiện trở lại.
Chỉ khi nào có một đam mê khác thay thế hẳn, bền vững rồi thì bố mẹ mới có thể nhàn rỗi được. Vì thế khi thấy trẻ "nghiện" TikTok thì phụ huynh nên can thiệp càng sớm, càng tốt", TS Hồng Thu cho hay.
Những trend Tiktok độc hại nhưng có ma lực kéo giới trẻ làm theo
"Devious lick" - ăn cắp đồ ở nhà vệ sinh trường học, "Tide Pod Challenge" - ăn viên nước giặt hoặc ngồi hút thuốc, uống cà phê trên đường ray tàu điện… là những trend độc hại nổi lên trên Tiktok.
N. Huyền