Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Phương pháp ôn tập cấp tốc môn Lịch sử
Giáo viên môn Lịch sử chia sẻ các “bí kíp” giúp học sinh ghi nhớ nhanh và hiệu quả kiến thức môn Lịch sử nhằm đạt điểm cao trong kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội.
Năm 2021, Lịch sử tiếp tục trở thành môn thi thứ 4 trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. Theo đó bài thi môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với 40 câu, thời gian làm bài 60 phút, có nhiều mã đề thi khác nhau.
5 “mẹo” hay giúp nhớ nhanh kiến thức
Từ đề thi minh họa và đề thi môn Lịch sử vào 10 tại Hà Nội năm 2019 có thể thấy, đề thi môn Lịch sử chú trọng kiểm tra khả năng ghi nhớ các sự kiện, nhân vật lịch sử và mốc thời gian nổi bật, bên cạnh đó cũng yêu cầu học sinh phải nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử, có cái nhìn tổng quát xuyên suốt cả thời kì lịch sử để trả lời những câu hỏi mang tính liên chương.
Trong giai đoạn “nước rút” này, vấn đề học sinh đang lo lắng là làm sao để nhớ được khối lượng lớn kiến thức của môn học này.
Bạn Mai Phương, học sinh lớp 9 tại Hà Nội, chia sẻ: “Với đặc thù là môn xã hội nên lâu nay học sinh thường có quan niệm học thuộc lòng môn Lịch sử, vì vậy mà thường xảy ra tình trạng học trước quên sau. Đặc biệt là việc phải ghi nhớ rất nhiều mốc thời gian, sự kiện lịch sử khiến cho chúng em thực sự lo lắng, nhất là trong bối cảnh phải cùng lúc ôn thi 4 môn”.
Nhằm giải tỏa những băn khoăn, lo lắng của phần đông học sinh về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Trinh, giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra một số “mẹo” hay giúp học sinh ghi nhớ nhanh và hiệu quả kiến thức của môn Lịch sử.
Thứ nhất, không ghi nhớ các sự kiện một cách rời rạc mà hãy đặt nó vào trong một diễn biến tổng thể, cố gắng nắm mối liên hệ giữa các sự kiện.
Ảnh minh họa |
Thứ hai, luôn tìm ra các từ khóa cho sự kiện hoặc nội dung kiến thức, học từ các từ khóa đó để nắm được toàn bộ nội dung của bài học.
Thứ ba, lập công thức cho một số dạng kiến thức thường gặp. Ví dụ, nguyên nhân sự kiện sẽ có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nguyên nhân chủ quan luôn đóng vai trò quyết định; ý nghĩa lịch sử của một sự kiện luôn là khép lại cái cũ, mở ra cái mới…
Thứ tư, với những nội dung quá nhỏ, hoặc khó nhớ nên sử dụng các flashcard gắn vào những nơi dễ thấy để học và ghi nhớ kiến thức mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời cần tránh sa đà vào các số liệu hoặc các sự kiện quá chi tiết vụn vặt, vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng bị loạn kiến thức, học trước quên sau.
Cuối cùng là gắn các sự kiện lịch sử với sự kiện cá nhân dựa vào một mối liên hệ nào đó, ví dụ ngày sinh nhật của mình trùng với ngày giải phóng miền Nam…
Bên cạnh đó, với khối lượng kiến thức lớn, cô Tuyết Trinh gợi ý học sinh nên chia nội dung ôn tập thành từng phần, có thể chia theo giai đoạn lịch sử hoặc thành chuyên đề. Mỗi phần tự đề ra mục tiêu sẽ ôn tập trong bao lâu và phấn đấu hoàn thành mục tiêu đó, để từ đó có thời gian ôn tập với các môn học khác.
Học lịch sử hiệu quả bằng sơ đồ tư duy
Đối với nỗi lo của học sinh về việc sẽ nhớ nhầm các mốc thời gian hoặc sự kiện lịch sử, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI khuyên học sinh nên tự hình thành sơ đồ tư duy để học theo 4 bước sau đây:
Bước 1: Đối với một chuyên đề cần xác định “lõi” kiến thức của nó là gì, sau đó bắt đầu vẽ lõi hoặc từ khóa đó từ vị trí trung tâm của sơ đồ.
Bước 2: Từ phần lõi, học sinh sẽ tạo ra những nhánh với nội dung là những phần kiến thức nhỏ hơn cùng các tiêu đề phụ. Các tiêu đề phụ này nên sử dụng chữ in hoa và thể hiện bằng những nhánh lớn, in đậm. Những nhánh lớn cần được tô đậm hơn và bắt đầu nhỏ dần khi toả ra xa. Đặc biệt, tất cả các nhánh đều phải được kết nối với phần “lõi” của sơ đồ.
Bước 3: Vẽ các nhánh cấp nhỏ hơn. Ở bước này, học sinh cần vẽ nối tiếp vào nhánh lớn để tạo ra những nhánh nhỏ hơn. Ở những nhánh nhỏ, chúng ta chỉ nên tận dụng từ khóa và hình ảnh gợi mở. Tất cả các nhánh nhỏ của một nhánh lớn nên tỏa ra từ một điểm và có cùng một màu.
Bước 4: Trang trí sơ đồ bằng hình ảnh minh họa, biểu tượng hoặc màu sắc tùy theo khả năng sáng tạo và ý tưởng của mình. Tuy nhiên, học sinh hãy vẽ những hình ảnh có sức gợi tả tốt nhất để chỉ cần nhìn vào hình ảnh đó, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến kiến thức cần nhớ. Học sinh có thể tự làm sơ đồ tư duy theo hình cây, hình xương cá, bông hoa, hình mặt trời… tùy theo sở thích cá nhân của mình.
“Ngoài sơ đồ tư duy, học sinh có thể học các giai đoạn lịch sử thông qua lập các bảng niên biểu, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử các em hãy gắn thời gian và sự kiện đi kèm với nhau để dễ dàng ghi nhớ chúng”, TS. Lê Thị Thu Hương gợi ý thêm.
Ôn thi vào lớp 10 môn Văn: Mẹo đưa dẫn chứng thuyết phục trong bài văn nghị luận xã hội
Dẫn chứng có vai trò rất quan trọng trong một bài văn nghị luận xã hội, giúp người viết/nói truyền tải trọn vẹn thông điệp tới người đọc/nghe, tạo thêm sức thuyết phục.
Hoàng Thanh