Lại xuất hiện 1 bài toán gây 'sóng gió': Học sinh làm 7 - 5 = 2 bị gạch sai, phụ huynh bức xúc rồi đứng hình bởi lời giải thích sau đó
Nhiều bài Toán tiểu học trông vậy mà không phải vậy, ngay cả bản thân phụ huynh là những người có học thức cũng chưa chắc đã làm được chính xác.
Toán tiểu học trong suy nghĩ của nhiều người là dễ như ăn kẹo, chớp mắt là làm xong. Nhưng trên thực tế, nếu thường xuyên tham gia dạy con học thì bạn sẽ hiểu rằng độ khó của việc học Toán ở giai đoạn này không hề thấp chút nào. Nhiều bài Toán của học sinh tiểu học trông vậy mà không phải vậy, ngay cả bản thân phụ huynh là những người có học thức cũng chưa chắc đã làm được chính xác.
Nhiều trường hợp phụ huynh đinh ninh con làm đúng nhưng cuối cùng bị "gạch chéo". Chẳng hạn, một bà mẹ ở Trung Quốc có con theo học tại trường tiểu học Quý Dương bày tỏ sự bối rối trước một bài Toán tiểu học: 7 em chơi trò "Đại bàng bắt gà", 3 chú gà con đã bị bắt, còn bao nhiêu chú "gà con" chưa bắt được?
Đối với trò chơi này này, theo suy nghĩ thông thường của nhiều phụ huynh Trung Quốc, một em sẽ đóng vai đại bàng, một em đóng vai gà mái, 5 em còn lại đóng vai gà con. Sau khi bắt được 3 chú gà con thì nên còn lại 2 chú gà con.
Như vậy phép Toán sẽ là: 7 - 5 = 2 hoặc 5 - 3 = 2 (gà con).
Về vấn đề này, giáo viên giải thích là: "Tôi hiểu lo lắng và thắc mắc của phụ huynh. Tuy nhiên phiên bản mới của sách giáo khoa Toán không có vai trò của một con gà mái mẹ, và đáp án chính xác phải là 3". Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, làm sao để chơi trò "đại bàng bắt gà" mà không có gà mái mẹ? Thiếu gà mẹ, chẳng phải đại bàng sẽ dễ dàng bắt hết tất cả sao? Trò chơi này vẫn có tên là Eagle Catching Chicken chứ?
Một cuộc khảo sát đã được tiến hành sau đó để lấy ý kiến về kết quả bài Toán gây tranh cãi. Số liệu cho thấy hơn 70% cư dân mạng cho rằng cần có đáp án chuẩn cho các bài toán lớp 1, và việc đánh đố học sinh ở giai đoạn này là không cần thiết.
Năm ngoái, một giáo viên toán đã giao bài tập về "đếm hạt gạo". Bài tập về nhà như vậy, Có vẻ như để rèn luyện khả năng thực hành của học sinh nhưng cũng gây tranh cãi. Sau khi đi học về, cô con gái nói rằng cô giáo yêu cầu ngày mai mỗi bạn phải mang đến lớp đúng 10.000 hạt gạo.
Bố và con gái lọ mọ đếm đến nửa đêm chưa xong, tức giận hỏi cô thì nhận được câu trả lời ngã ngửa: "Bài tập này không chỉ để bố mẹ có thêm thời gian đồng hành cùng con mà còn giúp cho bé luyện khả năng tư duy cởi mở và sáng tạo hơn. Thay vì ngồi đếm từng hạt, phụ huynh có thể hướng dẫn con phương pháp đếm gạo nhanh hơn. Chẳng hạn chỉ cần đếm 100 hạt đầu tiên sau đó đem đi cân rồi nhân số lượng lên là có thể giải được".
Toán học quả thực là một môn học đòi hỏi phải rèn luyện khả năng tư duy, nó còn là cơ sở để học các môn Khoa học kỹ thuật khác. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng với Toán tiểu học, nếu liên tục không giải được những bài toán "hack não" như thế này thì liệu sẽ khiến các con cảm thấy mình kém cỏi và đánh mất lòng tự tin hay không?
Dù biết có nhiều bài Toán mẹo để rèn luyện tư duy cho trẻ nhưng ở trình độ lớp 1, học sinh còn chưa thông thạo đọc viết, việc đưa ra đề toán lắt léo như này không khác nào làm khó các em và đôi khi ngay cả phụ huynh nữa.
Theo Nhịp sống Việt