Bé gái 2 tuổi bị bạn học đánh ở Bắc Giang: Ảnh hưởng tâm lý mới là điều đáng lo!
Tối 23/10, mạng xã hội xuất hiện bài viết kèm clip ghi lại cảnh một bé trai liên tục dùng chân đạp lên người và đầu, ngồi đè lên cả người một bé gái. Bé trai liên tục đánh, cắn bé gái nhưng không thấy sự xuất hiện của giáo viên.
Bài viết của nữ phụ huynh Bắc Giang thu hút sự quan tâm của nhiều người. |
Theo nội dung đoạn clip, trong lớp học với khoảng 8 học sinh, cửa lớp đóng và cô giáo không có mặt, một bé trai mặc áo xanh liên tục đánh và đá một bé gái khiến bé này giãy giụa nằm ra sàn nhà khóc lóc.
Tuy nhiên, bé trai này chỉ bỏ đi 1 lúc rồi lại quay lại chỗ bé gái dùng chân đạp lên người và đầu, ngồi đè lên cả người bé gái.
Nhiều bạn khác cũng xúm lại đánh, mặc cho bé gái khóc lóc. Khi sự việc xảy ra, bé gái liên tục khóc thét nhưng phải đến gần 5 phút sau cô giáo mới mở cửa bước vào. Lúc này, bé gái vội chạy về phía cô giáo.
Được biết, sự việc này xảy ra tại lớp học mầm non tư thục tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Những vết bầm của bé gái sau khi bị bạn đánh. |
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho hay đơn vị này đã nắm được thông tin sự việc và đã yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên báo cáo về sự việc.
Theo xác minh ban đầu, thời điểm bé bị bạo hành, các cô giáo trông giữ lớp đang đi lấy cơm trưa cho các cháu.
Lên tiếng về sự việc, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh - Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết cô còn không dám xem hết clip vì thấy mấy bạn xông tới đánh, đập đầu bé gái xuống, nhảy lên người cắn mà rất đau lòng.
“Không thể nói rằng vì đi lấy cơm hay đi đâu mà bỏ các con ở trong lớp học không có người giám sát được, đó là sự vô trách nhiệm.
Học sinh 2 tuổi các con còn quá bé để biết thế nào là bảo vệ bản thân, trong trường hợp như camera ghi lại chúng ta cũng thấy bé gái chỉ biết khóc chứ không thể làm gì hơn.
Tôi nhấn mạnh là trong mọi trường hợp thì luôn cần phải có một cô giáo thường trực trong lớp học.
Nỗi đau về thể chất thì rõ rồi, chúng ta có thể nhìn thấy ngay sau những hình ảnh bầm dập mà mẹ bé gái chụp lại nhưng cái mà tôi lo lắng là nỗi đau về mặt tinh thần của trẻ.
Nhìn chung, tâm lý sợ hãi, lo âu, bất an và bị ám ảnh là những trạng thái phổ biến mà hầu hết các em học sinh bị bạo lực đã phải trải qua.
Các em học sinh là nạn nhân thường có những biểu hiện rối nhiễu hành vi, mất tự tin, lo sợ khi đến trường dẫn đến lầm lì, ít nói, luôn ở trong trạng thái lo lắng, ngại tiếp xúc với mọi người…đó mới là điều đáng sợ và mất thời gian để giúp các em cân bằng lại về mặt tâm lý.
Với những học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường bố mẹ nên chú ý đến vấn đề tâm lý để đảm bảo nó không tác động tiêu cực đến học tập cũng như phát triển nhân cách của các em”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh nói.
Hoàng Thanh