Giết người vì ghen tuông:Giận dữ trên mạng ảo, hậu quả thật, chặn bạo lực từ đâu?
Cách đây ít ngày, chỉ trong 1 đêm có tới 4 vụ án nghiêm trọng xảy ra ở các địa phương (Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc), trong đó nguyên nhân phần lớn các vụ việc đều liên quan đến tình cảm, ghen tuông.
Trong số này, man rợ nhất là vụ việc thanh niên 19 tuổi giết người yêu cũ và đâm trọng thương bạn trai của nạn nhân.
Trước khi gây án, trên Facebook cá nhân, Phan Thanh Hoàng (SN 2003, quê ở Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang) đã viết cho bạn gái cũ cùng quê của mình là chị Nguyễn Thị B (SN 2003, trú ở TP Tuyên Quang) những lời nói căm hận đến rợn người: “Hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của mày, mạng tao đổi mạng mày…, số mày chỉ sống được đến 19 tuổi thôi…”.
Điều tra viên hỏi vì sao bạn gái van xin mà không buông tha, Hoàng ráo hoảnh trả lời rằng “lúc đó, chỉ nghĩ giết người thôi chứ không nghĩ gì cả. Chính vì thế, cháu đã sát hại nạn nhân đến cùng".
Thậm chí, Hoàng còn nói “hành động đó cứ tưởng là mạnh mẽ, nhưng không phải”.
Từ vụ án này, câu hỏi được đặt ra là vì sao con người ta lại ứng xử với nhau máu lạnh đến vậy? Vì sao tội phạm giết người dường như ngày càng dã man, manh động hơn?
Chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Thị Minh Hiền (ĐBQH khoá XIV) cho rằng, việc liên tiếp xảy ra các vụ án mạng, bạo lực trong những ngày gần đây liên quan đến lối ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ xã hội ở giới trẻ hiện nay. Hiện tượng này cho thấy cách lựa chọn hành vi tiêu cực để giải quyết vấn đề cá nhân đang ngày càng trở thành xu hướng mang tính chất nguy hiểm.
Tình trạng bạo lực hóa mối quan hệ tình cảm chỉ vì những khúc mắc trong tình yêu trên thực tế không chỉ xảy ra ở lứa tuổi 19 đôi mươi mà còn có thể diễn ra ở những người khi đã tới tuổi trưởng thành, chín chắn.
Theo bà Hiền, hầu hết những vụ việc đau lòng, mất mát về người xảy ra do mâu thuẫn, bế tắc chuyện tình cảm thường là từ hành vi bạo lực bạo hành gây ra.
Thậm chí, các vụ án phạm tội về pháp luật hình sự có liên quan đến tình yêu, xung đột tình cảm gia đình đang ngày càng gia tăng hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng và mang lại nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến tâm lý con người nói riêng và tâm lý xã hội nói chung.
“Điều này cho thấy, con người dù ở độ tuổi nào cũng đều có thể gặp phải những vấn đề phức tạp trong chuyện tình cảm. Bởi trong mỗi câu chuyện tình cảm riêng tư đều ẩn chứa những yếu tố ảnh hưởng cảm xúc con người, có lợi hoặc bất lợi trong việc nuôi dưỡng và phát triển tình cảm.
Nếu cách giải quyết thiếu sự chín chắn sẽ rất dễ gây xung đột về tâm lý, nặng nề hơn tâm lý rơi vào cảm giác bế tắc nên dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, kết thúc vấn đề bằng sự lựa chọn tiêu cực nhất, nguy hiểm nhất nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý bị tổn thương hoặc giận dữ”, nữ ĐBQH nhấn mạnh.
Nhìn ở góc độ xã hội, theo bà Hiền, việc một người thực hiện hành vi tàn nhẫn, xâm hại đến tính mạng và sự an toàn đối với người khác thường có nhiều nguyên nhân khác nhau.
''Điểm chung mà chúng ta nhận thấy ở các vụ việc xảy ra gần đây, đó là người gây ra hành vi phạm tội, hung thủ hoặc nạn nhân thường có sự thiếu hụt liên quan các yếu tố gia đình, giáo dục, tình cảm'', bà Hiền nói.
Vị ĐBQH phân tích: ''Nếu một người sống trong gia đình không có sự chăm sóc, thương yêu, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ, không được quan tâm, bao bọc, giám sát dạy dỗ đúng đắn trong giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, hình thành phát triển nhân cách… sẽ dễ dẫn đến việc họ có xu hướng trở nên cộc tính, không biết cách kiềm chế cảm xúc do thiếu sự đồng cảm, chia sẻ, dẫn dắt bằng tình yêu thương. Hoàn cảnh này dẫn đến việc những người sống trong hoàn cảnh này thường suy nghĩ ích kỷ, không ý thức được lời nói, hành vi của mình có thể gây tổn thương lên người khác, đồng nghĩa với việc không kiểm soát được hành vi của mình.
Hơn nữa, vì sự thiếu thốn, không được dạy dỗ chia sẻ kiến thức; vì tự ti nên họ không có nhiều mối quan hệ xã hội, hạn chế về kỹ năng giao tiếp hay đối nhân xử thế; họ bắt đầu dùng bạo lực như một cách để diễn tả cảm xúc thay lời nói.
Lâu dần, lối ứng xử này trở thành thói quen, ăn sâu trong tính cách. Từ đó, họ xem việc bị phản bội hay việc dốc sức vì người khác nhưng lại nhận được sự thất bại là một điều khó chấp nhận''.
''Vì thế, việc trang bị kỹ năng, định hướng lối sống chuẩn mực từ người lớn của gia đình trong các giai đoạn thay đổi, chuyển tiếp từ tuổi trẻ em đến tuổi vị thành niên cho tới tuổi thanh niên đầu đời là vô cùng quan trọng, không chỉ ở nam giới mà còn đặc biệt quan tâm đến nữ giới, không chỉ ngoài đời thực mà còn cả trên mạng xã hội”, bà Phạm Minh Hiền khuyến cáo.
Đưa ra dẫn chứng, bà Hiền cho rằng việc đưa chuyện tình cảm riêng tư lên mạng xã hội để tranh cãi bắt lỗi qua lại với nhau đã gây ra không ít những vụ việc đau thương, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
''Môi trường mạng không hề ảo như con người vẫn tưởng, nó là một phiên bản khác của xã hội ngoài đời thực, xung đột là thật, tổn thương là thật và hậu quả là thật.
Và hậu quả của vấn đề này luôn là những câu chuyện vô cùng đáng tiếc xảy ra trong đời thực, không chỉ đối với chính bản thân họ, mà còn ảnh hưởng rất lớn với gia đình và cả xã hội.
Đáng tiếc bởi vì, đó không còn là câu chuyện quen thuộc thường thấy nữa, mà nó đã trở thành những vụ án mạng nguy hiểm ở hiện thực, gây mất an toàn, an ninh trật tự xã hội. Đáng tiếc bởi chúng ta thấy được thực trạng, dự báo được hậu quả và hệ luỵ nhưng lại chưa thể có đầy đủ công cụ, biện pháp, giải pháp mang tính ngăn ngừa và can thiệp hiệu quả”, nữ ĐBQH nêu quan điểm.
N. Huyền