Gian nan đường vào bản làng Tri Lễ
Đường vào bản Nậm Tột, Huổi Mới đất đá gồ ghề, có những đoạn xe lao dốc nhanh như “tên bắn”, có đoạn leo dốc phải chầm chậm nhích xe từng mét. Xe nóng máy quá, phải dừng lại chờ nguội bớt hoặc dắt xe cuốc bộ để mới tiếp tục hành trình...
Mặc dù đường sá được đầu tư xây dựng, các đơn vị đang tiến hành thi công nhưng việc di chuyển đến những bản làng ở huyện Quế Phong (Nghệ An) vẫn rất nguy hiểm. Việc đi lại, đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đường vào từ trung tâm xã Tri Lễ đến các bản Huồi Mới, Nậm Tột còn rất gian nan. |
Đường vào bản còn lắm gian nan
Huyện biên giới Quế Phong cách TP Vinh khoảng 200km, là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Trong đó, bản Nậm Tột, Huồi Mới (xã Tri Lễ) là 2 bản xa xôi nhất, giáp ranh với nước bạn Lào.
Từ trung tâm xã Tri Lễ, phải mất hơn 2 - 3 giờ đi xe máy (có đoạn dốc cao thì đi bộ), chúng tôi mới có thể đến được các bản làng này trên con đường “độc đạo”, ngăn cách bởi các con suối, những khúc cua tay áo ngoằn nghèo, một bên những núi đồi dựng đứng và một bên là vực sâu thẳm rất nguy hiểm.
Quãng đường dài hàng chục km, xe máy phải nhích từng mét một để leo dốc, cũng như xuống dốc. |
Cả quãng đường hàng chục km từ trung tâm xã, chúng tôi phải ghì chặt hai tay lái trên con “ngựa sắt”. Trận mưa bão cách đây không lâu khiến tuyến đường đang thi công bị sạt lở nghiêm trọng, lầy lội, tạo thành từng rãnh sâu trơn trượt.
Có những đoạn xe lao dốc nhanh như “tên bắn”, có đoạn phải chầm chậm bò lên đỉnh núi, nhích từng mét, từng mét một. Có đoạn con “ngựa sắt” nóng máy quá, mọi người lại phải dừng lại để cho máy nguội bớt rồi mới tiếp tục hành trình.
Nhiều đoạn đường dốc, người dân phải cuốc bộ hàng trăm mét. |
Đường núi khúc khuỷu quanh co, những vực sâu hoắm cứ nối dài. Đá núi lởm chởm chắn cả lối đi… Chúng tôi vừa đi vừa trông ngóng cho nhanh đến bản làng để bớt thêm phần lo lắng trên cung đường hiểm trở.
Sau quãng đường gian nan, hiện ra trước mắt chúng tôi dưới chân núi rừng già là những nóc nhà lợp bằng lá rừng của người dân bản Huồi Mới. Ngay đầu bản có con suối ngăn cách "án ngữ" đầu đường đi vào. Theo người dân ở đây cho biết, những năm trước đây, khi chưa có cầu tạm bắc qua thì việc đi lại phải lội qua con suối này rất vất vả và nguy hiểm, nhất là vào dịp mưa lũ.
Một góc bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. |
Anh Và Bá Thái, Trưởng bản Huồi Mới bộc bạch, toàn bản chúng tôi có 137 hộ với trên 842 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mông, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
“Từ bản ra trung tâm xã, nếu đi bộ thì phải mất 3 giờ đồng hồ, còn xe máy đi được thì cả tiếng, đó là quen đường. Đường đi lại vô cùng hiểm trở với nhiều con dốc cao, một bên là núi, một bên vực sâu nguy hiểm. Trời nắng thì còn đỡ chứ trời mưa thì bà con không thể lưu thông vì đường rất lầy lội và bị sạt lở tại nhiều đoạn gây chia cắt”, anh Thái cho hay.
Từ Huồi Mới, chúng tôi tiếp tục tìm đến bản Nậm Tột, đây là bản làng xa xôi nhất của huyện biên giới Quế Phong. Lối đi duy nhất vào bản trước mắt là một con đường đất tự phát rộng khoảng 1m, vượt qua nhiều con dốc quanh co, vô cùng hiểm trở và lầy lội.
Từ Huồi Mới, con đường “độc đạo” vào bản Nậm Tột rộng hơn 1 mét do người dân tự phát còn gian nan hơn. |
Trưởng bản Nậm Tột, anh Lý Bá Tủa (SN 1982) thông tin, toàn bản có hơn 47 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào người Mông. Cuộc sống người dân ở đây phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông - lâm nghiệp nhỏ lẻ.
"Nhiều năm qua, kinh tế phụ thuộc vào nương rẫy, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đã từ lâu, người dân ở đây đã phải lội suối để mưu sinh, còn vào mùa mưa thì cả tuần học sinh phải nghỉ học, người dân chỉ biết ở nhà khi bản làng bị cô lập hoàn toàn bởi một chiếc cầu gỗ tạm xập xuệ bị ngập nước, có thể đổ sập bất cứ lúc nào”, anh Tủa cho hay.
Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) chia sẻ với phóng viên: “Vừa qua, do mưa lớn kéo dài, nhiều đoạn trên tuyến đường giao thông đi qua các bản Liên Hợp, Tân Thái, Kẻm Đôn và Huồi Mới bị sạt lở nghiêm trọng, việc đi lại của người dân gặp vô vàn khó khăn”.
Bản Nậm Tột xa xôi nhất huyện biên giới Quế Phong được bao bọc bởi núi rừng hùng vĩ, việc đi lại khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. |
Vừa làm đường vừa khắc phục sạt lở
Qua tìm hiểu của PV, tháng 12/2019, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình hạng mục giao thông vào vùng dự án giai đoạn 3 (Km5+500 – Km9+140) thuộc dự án “Di dân khẩn cấp vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn biên giới xã Tri Lễ, huyện Quế Phong”. Dự án này do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư, tổng giá trị dự toán gần 45 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư: bề rộng nền đường 6m, bề rộng mặt đường 3,5m, bề rộng lề đường 2×1,25m (tương đương tiêu chuẩn đường giao thông cấp VI miền núi)…
Theo ghi nhận của PV Infonet những ngày đầu tháng 11/2021, dự án này đang được các nhà thầu tiến hành thi công, chủ yếu đi qua vùng địa hình núi cao, độ dốc tự nhiên rất lớn, có chiều dài gần 4km.
Sau đợt mưa lớn vừa qua, nhiều hạng mục đã bị hư hỏng, nước cuốn trôi; đặc biệt, trên tuyến đường thi công bị sạt lở nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân từ các bản Huồi Mới, Nậm Tột ra trung tâm xã Tri Lễ và ngược lại gặp rất nhiều khó khăn, đường đi vô cùng hiểm trở, với khối lượng đất đá rất lớn đang ngổn ngang...
Tuyến đường giao thông từ trung tâm xã Tri Lễ đang trong quá trình thi công vào bản Huồi Mới xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng. |
Bà Vi Thị Duyến, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong thông tin, dự án này có nhiều hạng mục do UBND huyện làm chủ đầu tư, mới được đơn vị tiếp nhận từ Ban phát triển nông thôn (PTNT) miền núi huyện. ''Vừa rồi có một số vị trí đường đang thi công bị sạt lở do mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân”, bà Duyến cho hay.
Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết thêm, hạng mục đường giao thông (thuộc dự án Di dân khẩn cấp vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn biên giới xã Tri Lễ - PV) được triển khai được hơn 1 năm nay; do địa hình phức tạp, một bên là núi, một bên là vực sâu nên quá trình thi công nếu có mưa bão thì lại xảy ra sạt lở .
“Bên cạnh đó, ở khu vực này thường xuyên có dông lốc, sét nên việc thi công rất khó khăn, vất vả. Đặc biệt, khi cho máy hạ những mái núi để làm thì rất nguy hiểm. Trước đây, dự án này do Ban PTNT miền núi làm chủ đầu tư, sau khi sát nhập thì chuyển về huyện quản lý vào cuối tháng cuối tháng 9/2021. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đôn đốc các nhà thầu tiếp tục thi công các hạng mục còn lại, khắc phục các điểm sạt lở để người dân lưu thông được thuận lợi hơn”, ông Hiền nói.
Một bên là mái núi dựng đứng, một bên là vực thẳm vô cùng nguy hiểm, người dân không khỏi rùng mình mỗi khi đi lại.
Việt Hòa