Giám đốc mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng đến công an đầu thú có thoát tội?
Giữa năm 2018 - 7/2019, Cương mua 29 tờ hoá đơn giá trị gia tăng của Cty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Bảo Sơn, tổng số tiền ghi trên hoá đơn trước thuế là hơn 1,3 tỷ đồng và đến công an đầu thú nhưng khó thoát án…
Chiều 11/10, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã khởi tố Nguyễn Đức Cương (SN 1992, ở phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) về tội mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.
Đối tượng Cường đã ra cơ quan công an đầu thú. |
Theo cơ quan công an, quá trình xác minh giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng xảy ra tại tỉnh Bắc Giang, đối tượng Nguyễn Đức Cương (SN 1992, ở số nhà A34 - TT18 khu đô thị Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã đến cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đầu thú về hành vi mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng.
Ngày 30/9/2021, cơ quan An ninh điều tra ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Cương về mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng.
Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan An ninh điều tra xác định, vào khoảng giữa năm 2018 đến tháng 7/2019, Nguyễn Đức Cương đã mua 29 tờ hoá đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Bảo Sơn, tổng số tiền ghi trên hoá đơn trước thuế là hơn 1,3 tỷ đồng.
Cụ thể, Cương bán hoá đơn cho D.T.D (SN 1990) là Kế toán Công ty TNHH Tae Kyung tech Vina với tổng số tiền hàng trước thuế là hơn 1,1 tỷ đồng và 2 hoá đơn với giá trị tiền hàng trước thuế là 198 triệu đồng Cương mua sử dụng kê khai thuế cho Công ty TNHH Gmart Vina do Cương làm Giám đốc.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luât cho biết: “Việc sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, việc sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn. Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
Nếu hành vi mua hóa đơn giá trị gia tăng khống có đủ dấu hiệu của tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội trốn thuế và tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015”.
Theo luật sư Bình, điều 203 có quy định rất rõ về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Đó là người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Còn phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức. Có tính chất chuyên nghiệp. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên
Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên. Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên. Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 05 năm...
Hải Ngọc