Giải thưởng Make in Viet Nam: Thêm nhiều lời giải hay cho các bài toán Việt Nam
Những sản phẩm, giải pháp xuất sắc được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” năm 2021 đều đáp ứng hai tiêu chí đánh giá “Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam” và “Có giá trị thực tế”.
Ngày 11/12, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021.
48 sản phẩm, giải pháp xuất sắc nhất trong số 250 hồ sơ tham dự Giải thưởng năm nay đã được vinh danh tại Lễ trao giải lần này. Đây là là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
Theo Ban Tổ chức Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021, các sản phẩm, giải pháp tham gia Giải thưởng năm nay khá đa dạng, phục vụ cho nhiều lĩnh vực như: chuyển đổi số, tài chính, nông nghiệp thông minh, giao thông thông mimh…; và đã ứng dụng nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet kết nối vạn vật (IoT)…
Nhiều sản phẩm đã giải quyết các bài toán cộng đồng xã hội, đặc biệt là y tế, giáo dục, phòng, chống đại dịch, chẳng hạn: Bản đồ số Map4D Platform; Nền tảng Thương mại điện tử Vỏ Sò; Ứng dụng di động phục vụ người dân vnCare; Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh; Hệ thống quản lý bệnh án điện tử - FPT.EMR; Nền tảng giáo dục số MISA EMIS; Azota - Nền tảng tạo đề thi, bài tập online; Chuyển đổi số nâng cao năng lực quản lý hiến máu tình
nguyện và đảm bảo an toàn truyền máu cho Thành phố Hồ Chí Minh – giotmauvang.org.vn…
Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” là giải thưởng mang tầm quốc gia về sản phẩm công nghệ số do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức từ năm 2020, là một trong những hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Thuật ngữ “Make in Vietnam” nhằm truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu và sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ.
Khi thực hiện chiến lược “Make in Vietnam", các doanh nghiệp sẽ phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy phát huy động trí tuệ Việt Nam, giải quyết được bài toán Việt Nam. Giá trị gia tăng tại Việt Nam vì thế cũng sẽ cao hơn so với việc chỉ đơn thuần là gia công, lắp ráp.
Thông qua chiến lược “Make in Vietnam", Việt Nam sẽ cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Trên thực tế, thời gian qua đã có khá nhiều giải thưởng tôn vinh các sản phẩm và giải pháp về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như Nhân tài Đất Việt, Sao Khuê, Vietnam Digital Awards... Tuy nhiên, để thúc đẩy chiến lược “Make in Vietnam”, rất cần có một giải thưởng để tôn vinh và quảng bá những sản phẩm giải pháp, để thu hút và tạo động lực cho các cá nhân tổ chức tham gia”, đại diện Vụ CNTT (Bộ TT&TT) lý giải về sự ra đời của Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam”.
Cũng theo đại diện Vụ CNTT, Giải thưởng này là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số, giải các bài toán Việt Nam. Giải thưởng Make in Vietnam sẽ tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có giá trị thực tế góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số, đồng thời quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Với mục tiêu tìm kiếm và tôn vinh các sản phẩm, giải pháp công nghệ số trong nước xuất sắc, có thể là lời giải để giải quyết các bài toán Việt Nam, trong lần thứ hai tổ chức, Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” tiếp tục đặc biệt chú trọng tới hai tiêu chí đánh giá “Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam” và “Có giá trị thực tế” khi tuyển chọn các hạng mục: Nền tảng số xuất sắc, Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số; Sản phẩm số tiềm năng. Tiêu chí “Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam” chiếm 40/100 điểm. Còn tiêu chí “Có giá trị thực tế” chiếm 60/100 điểm.
Một số tiêu chí chung cho cả 5 hạng mục là các sản phẩm thiết kế sáng tạo tại Việt Nam; có sự độc đáo; đảm bảo về công nghệ và chất lượng; công đoạn cốt lõi do người Việt thực hiện; dễ dùng, dễ tương thích và tùy biến...
Hà Minh