Giải phóng Sài Gòn: Đòn nghi binh từ sông Đáy
Xe tăng quân giải phóng tiến vào nội thành Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Vũ Trọng Thướng, nguyên Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn I bình dị trong bộ pijama tiếp chúng tôi trong góc vườn nhỏ của nhà ông. Trong câu chuyện về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giọng của ông lúc hứng khởi tràn đầy khí thế của anh giải phóng quân tiến vào thành phố Sài Gòn năm xưa, khi chậm rãi khúc triết nhắc đến những chi tiết trọng yếu của đòn nghi binh chiến thuật. Và từ tấm bản đồ của viên Tổng tham mưu trưởng tháo chạy, câu chuyện của chúng tôi mở ra với đòn nghi binh xuất sắc của quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày tháng cuối cùng tiến vào sào huyệt của địch.
Đại tá Vũ Trọng Thướng, nguyên Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn I giản dị trong cuộc sống đời thường. |
“Khi chúng tôi tiến đánh Bộ tổng tham mưu quân ngụy và chiếm được tòa nhà này. Tấm bản đồ tác chiến của Cao Văn Viên (Đại tướng, Tổng tham trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa, đã tháo chạy vào ngày 28/4/1975. PV) vẫn đặt cạnh sa bàn của ông ta. Trên bản đồ đầy kí hiệu việc bố trí binh hỏa lực của quân đội Sài Gòn (chế độ cũ), còn có một dấu hỏi chấm (?) tô đậm màu đỏ về sự “mất tích” của Sư đoàn 308, Quân đoàn I của quân đội nhân dân Việt Nam" ông Thướng kể lại.
Tận mắt chứng kiến tấm bản đồ tác chiến của Cao Văn Viên đánh dấu hỏi chấm về sự di chuyển của Sư đoàn 308, Đại tá Vũ Trọng Thướng cảm nhận sự lý thú của nghệ thuật nghi binh, và vì là người trong cuộc nên ông không hề bất ngờ. Thời điểm đó ông là Phó chính ủy Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn I.
Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa (chế độ cũ), đã tháo chạy vào ngày 28/4/1975 trước ngày quân đội chế độ cũ đầu hàng. |
Trong thế tấn công vũ bão của quân giải phóng vào đầu năm 1975, đặc biệt là sau khi chúng ta giải phóng Tây Nguyên, bộ chỉ huy tối cao ở Hà Nội nhận định có thể giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 nên tháng 3/1975 toàn bộ Quân đoàn I của quân đội nhân dân Việt Nam khi đó đang đứng chân ở Bắc và Trung Trung Bộ được lệnh rút hết ra Bắc và toàn quân đoàn “phải” đắp đê sông Đáy đoạn ở Hà Nam và Ninh Bình ngày nay. “Việc ta rút Quân đoàn I ra Bắc nhằm nghi binh đối phương khiến họ phân vân, khó nhận định trong việc ta có tập trung quân giải phóng niềm Nam ngay trong mùa hè năm 1975. Nhưng đó chỉ là yếu tố bước đầu”, Đại tá Thướng cho hay.
“Trong số các sư đoàn chủ lực của ta, quân lực VNCH đánh giá rất cao và ngán nhất Sư đoàn 308 thuộc Quân đoàn I. Đây là sư đoàn thiện chiến từ thời chống Pháp và ở đâu xuất hiện sư đoàn này là ở đó thường xảy ra chiến đấu ác liệt. Rút Quân đoàn I ra Bắc thì cũng tương tự như việc ém Sư đoàn 308 vậy”, Đại tá Thướng cho biết thêm.
Câu chuyện tiếp tục với những điểm nhấn trong thuật nghi binh linh hoạt của quân đội nhân dân Việt Nam. Khi Quân đoàn I đang cật lực đắp đê sông Đáy và cán bộ, chiến sĩ không hay biết gì về nhiệm vụ sắp tới thì nhận lệnh tối mật từ “tổng hành dinh Hà Nội” là toàn bộ quân đoàn hành quân ngược vào miền Trung và điểm đứng chân là Vinh. “Chúng tôi lặng lẽ, gấp rút lên tàu trong đêm. Nhận lệnh là lên đường ngay, không mang thứ gì, tất cả để lại cho địa phương”, Đại tá Thướng nhớ lại.
Từ Vinh, Quân đoàn I phải thần tốc hành quân vào Nam và cũng từ đây, Sư đoàn 308 “mất tích”. Việc Sư đoàn 308 “mất tích” không chỉ bất ngờ với đối phương mà còn tạo điều kiện cho các sư đoàn khác của Quân đoàn I ào ạt, băng rừng, thần tốc tiến về Sài Gòn để cùng với các cánh quân siết chặt gọng kìm, giáng những đòn sấm sét vào “lô cốt” Sài Gòn, đập tan chế độ cũ giải phóng đất nước.
“Trong tác chiến, việc hành binh phải bất ngờ, táo bạo và bí mật. Gian khổ thì không nói vì đó là điều hiển nhiên với người lính. Quân đoàn I từ miền Trung ra miền Bắc, từ miền Bắc lại vào miền Trung, rồi từ Miền Trung vào miền Nam...Để có chiến thắng chung phải có cuộc hành binh gian khổ, thần tốc, bí mật...cộng với đòn nghi binh linh hoạt như vậy”, Đại tá Thướng nhấn mạnh.
Trong “hang hùm” của Cao Văn Viên còn “sót” lại sổ công tác, gậy chỉ huy cấp tướng cùng nhiều tài liệu quân sự khác...,nhưng riêng tấm bản đồ tác chiến để lại ấn tượng đặc biệt với Đại tá Vũ Trọng Thướng. “Trong lịch sử quân sự nước nhà, nghệ thuật nghi binh được sử dụng rất hiệu quả trong các cuộc chiến tranh. Trực tiếp chứng kiến “đòn nghi binh sông Đáy” trên bản đồ của Cao Văn Viên đến giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn tâm đắc...”, Đại tá Vũ Trọng Thướng bày tỏ.