Giải mối lo mang tên 'bài kiểm tra' khi học sinh vừa quay lại trường
Học sinh nào cũng ít nhiều căng thẳng trước các bài kiểm tra, nhưng mối lo ấy còn tăng lên gấp bội khi nhiều em rơi vào trạng thái 'hổng kiến thức' vì học trực tuyến ở nhà.
Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, hàng chục tỉnh thành đã đón học sinh trở lại trường, nhiều địa phương khác đang chuẩn bị mở cửa trường vào tháng 11 tới.
Hiện nay các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hoà Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh... đã cho học sinh quay lại trường sau thời gian học trực tuyến.
Tại TP.HCM, huyện Cần Giờ cũng đang thí điểm mở cửa trường học. Theo đó, thực hiện giảng dạy trực tiếp theo 2 giai đoạn tại trường Tiểu học Thạnh An và trường THCS - THPT Thạnh An. Đối với giai đoạn 1, học sinh thuộc các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 sẽ đi học trực tiếp từ ngày 20/10 - 31/10.
Những học sinh đầu tiên ở TP.HCM quay lại trường. |
Thế nhưng, điều mà rất nhiều phụ huynh lo lắng khi con trở lại trường là phải đối diện lịch kiểm tra, đánh giá dày đặc của học kỳ 1 trong khi suốt thời gian qua các con học trực tuyến không đạt hiệu quả như ý.
Có con học tiểu học tại Bắc Ninh, chị Nguyễn Thị Phương chia sẻ rằng con chị không theo kịp các bạn trong lớp vì vốn từ trước cháu đã học chậm hơn. Mặc dù thời gian học trực tuyến bố mẹ cũng rất cố gắng dành thời gian học cùng con nhưng khả năng tiếp thu của cháu có hạn.
“Cháu chậm tiếp thu khi học trực tuyến, thậm chí có hôm cháu không học được gì mấy vì đường truyền internet chập chờn. Vì vậy cháu tâm sự là sợ nhất phải làm các bài kiểm tra khi đi học lại, cháu sợ được điểm thấp quá sẽ xấu hổ với các bạn.
Tôi chỉ mong thời gian này các cháu quay lại trường thì nhà trường củng cố, ôn tập thêm cho các cháu rồi mới tiến hành kiểm tra, đánh giá", chị Phương nói.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận do dịch Covid-19, thời gian qua nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường và tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Do điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình ở các vùng, miền có sự khác nhau dẫn đến kết quả học tập của học sinh chưa được đồng đều.
Một bộ phận học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình hoặc phải chuyển nơi cư trú nên chưa đáp ứng được yêu cầu về kết quả học tập.
Bộ GD&ĐT cho biết hiện nay đã có yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, học qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương.
Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.
“Chúng tôi yêu cầu cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh học trực tuyến.
Dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Ngoài ra, sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức”, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.
Nữ sinh cắt tay vì áp lực học trực tuyến, sợ hãi vì kỳ vọng
Học trực tuyến kéo dài, áp lực dồn nén khi cùng lúc phải dùng nhiều phần mềm, làm bài tập, kiểm tra dồn dập, cha mẹ không tâm lý, khiến nhiều em rơi vào tình trạng bất thường, một nữ sinh lớp 12 đã tự cắt tay mình
Hoàng Thanh