Giá “vàng đen” tiếp tục lao dốc không phanh cho dù có thỏa thuận OPEC+ mới
Trong trường hợp xuất hiện thỏa thuận mới của OPEC hoặc OPEC+ thì chúng cũng không có khả năng hỗ trợ giá dầu, mặt khác, hành lang giá đang được hình thành hiện nay sẽ làm giảm sản lượng trên thế giới.
Nhận định trên được Tiến sĩ Kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Kazakhstan, ông Vyacheslav Dodonov chia sẻ với RIA hôm 21/4.
Được biết, hôm 12/4, cuộc họp của OPEC+ đã đồng ý đi đến thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6, 7,7 triệu trong nửa cuối năm 2020 và 5,8 triệu thùng cho đến hết tháng 4/2022. Nhưng giá dầu kể từ đó vẫn tiếp tục giảm và đã giảm xuống dưới 19 USD/ thùng đối với dầu Brent, đây là mức giá thấp nhất lần đầu tiên sau 18 năm.
Thị trường dầu mỏ đang khiến các quốc gia trên thế giới không thể kiểm soát. (Ảnh tư liệu) |
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trước đó một ngày trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đề xuất tổ chức một cuộc họp của Ủy ban giám sát OPEC+ vào ngày 10/5 để đánh giá hiệu quả của các thỏa thuận trên thị trường năng lượng thế giới.
“Xét trên kết quả của cuộc họp ngày 12/4, được biết rằng các thông số đạt được của thỏa thuận không thể giúp ngăn chặn nguồn cung dư thừa do nhu cầu dầu giảm mạnh, do đó tin tức về việc đạt được thỏa thuận này thực tế không ảnh hưởng đến giá dầu”, ông Dodonov nói.
Ông Dodonov lưu ý rằng, thỏa thuận chỉ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/5 và với tốc độ diễn biến tình hình như hiện nay thì còn có nhiều sự kiện khó chịu có thể xảy ra.
“Đối với cuộc họp mới và những cắt giảm mới, tôi nghĩ điều này khó có thể xảy ra và kể cả khi nó có xảy ra chăng nữa thì cũng gần như không thể giúp ích điều gì. Hiện đang có những lo ngại có căn cứ liên quan tới việc thực hiện thỏa thuận này, vì việc cắt giảm khai thác dầu ở mức hơn 20% là rất lớn đối với nhiều nước tham gia”, Dodonov cho hay.
Ngoài ra, ông Dodonov tin rằng, sẽ ít có khả năng áp dụng những hạn chế cắt giảm lớn hơn trong bối cảnh hiện nay. Vì điều đó là không thể xảy ra.
“Trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng nhiều thành viên tham gia thỏa thuận này sẽ hành động theo nguyên tắc “mỗi người tự bảo vệ chính mình”. Nhiều khả năng hành lang giá hiện đang được hình thành trong vài tháng tới (có thể 10-25 USD cho dầu Brent) sẽ khiến dẫn tới việc giảm sản lượng khai thác dầu một cách tự nhiên và việc cung ứng dầu sẽ phản ứng theo cách này, chứ không phải do các thỏa thuận của OPEC gây ra”, ông Dodonov nhấn mạnh.
Đồng thời, tiến sĩ Kinh tế cho hay, hiện nay đã có thể quan sát thấy “sự suy giảm sản lượng khai thác dầu tại Mỹ (từ 13,1 triệu thùng trong tháng 1 - tháng 2, xuống mức 12,3 triệu thùng vào đầu tháng 4), và sự cắt giảm này sẽ còn tăng hơn nữa”.
“Số lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ đang giảm mạnh và hiện đã giảm xuống còn 438, tức là gần 1,5 lần so với một tháng trước, đó là quá trình rút khỏi thị trường dầu mỏ của Mỹ đang tăng tốc. Rõ ràng là mức giá dầu hiện tại sẽ buộc một số người chơi phải rời khỏi thị trường, do đó, các nhà sản xuất cần cân bằng cung-cầu điều này sẽ được khôi phục được giá “vàng đen” theo cách tự phát, mà không có sự tham gia của OPEC”, ông Dodonov kết luận.
Mới đây, hôm 21/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã chỉ đạo Bộ Năng lượng và Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch hỗ trợ các công ty dầu khí của đất nước.
Ông Trump chia sẻ trên Twitter của mình: “Chúng ta không bao giờ bỏ mặc ngành công nghiệp dầu khí vĩ đại của Mỹ. Tôi đã chỉ đạo cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Bộ trưởng Tài chính xây dựng một kế hoạch nhằm giúp các công ty rất quan trọng này, cũng như để đảm bảo việc làm trong một thời gian dài”.
Trước đó, vào thứ Hai, lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô WTI giảm xuống tới mức chỉ số âm, báo giá trên NYMEX đạt mức âm 40,32 USD/thùng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụp đổ giá dầu là do nhu cầu thấp và các kho trữ dầu của Mỹ đã quá đầy. Theo kết quả giao dịch vào ngày 20/4, giá dầu trên thế giới đã giảm tới 300%, xuống tới mức âm 37,63 USD/thùng.
Thanh Bình (lược dịch)