Giá nhà sẽ tiếp tục tăng

Đây là nhận định chung của các thành viên thị trường khi cơn bão giá vật liệu tăng chưa qua thì nỗi lo thiếu hụt lao động đã tới sau giãn cách.

Giá nguyên vật liệu leo thang, thiếu hụt lao động…

Đã hơn một tuần kể từ khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, hoạt động mua bán vật liệu xây dựng, nhất là các mặt hàng sắt, thép tại Công ty TNHH Xây dựng Tùng Anh (TP. Thủ Đức, TP.HCM) vẫn khá trầm lắng.

Chị Hiên, thủ kho Công ty cho biết, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương khu vực phía Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, cộng với nguyên liệu đầu vào sản xuất của các vật liệu tăng đã đẩy giá thành sản phẩm tăng cao hơn so với thời điểm cuối năm 2020, dẫn đến các mặt hàng vật liệu xây dựng tiêu thụ chậm.

Cụ thể, thép tròn hiện có giá 19 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 6 triệu đồng/tấn; thép hình và thép tấm có giá từ 24-25 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 10 triệu đồng/tấn… Giá sắt thép tăng, kéo giá một số loại vật liệu xây dựng khác như xi măng tăng theo, ví dụ xi măng PCB 30 Hoàng Thạch có giá 1.345 đồng/kg; xi măng Bút Sơn PCB 1.350 đồng/kg…

“Khách hàng lưỡng lự khi giá các loại vật liệu xây dựng do nhà sản xuất đưa ra liên tục tăng, dẫn đến lượng bán ra của các cửa hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh, doanh thu của chúng tôi giảm từ 35-50% so với trước đây”, chị Hiên nói và cho biết thêm, tình hình cung ứng cũng bị chậm lại ở một số mặt hàng do công tác vận chuyển, bởi trước đây, khi đi lại còn thuận lợi, hàng hóa chỉ sau 1-2 ngày đặt là đến tay khách hàng, nhưng nay có những mặt hàng phải sau 10 ngày mới tới nơi do nhà xe chờ đầy hàng mới chuyển đi.

“Bên cạnh đó, cũng có một số phiền toái phát sinh khi tiếp tục phải tuân thủ kiểm tra phòng chống dịch khi ra vào công trường xây dựng hay di chuyển giữa các khu vực, ví dụ như việc test Covid cho đội ngũ lái và phụ xe sau mỗi 72 giờ, điều này cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp”, chị Hiên thông tin thêm.

Trên cương vị là một nhà thầu, ông Nguyễn Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng Center cũng đang “đau đầu” về sự biến động giá của các nguyên vật liệu trên thị trường hiện nay.

Ông Nam cho biết, sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, Công ty cũng tái khởi động. Tuy nhiên, khi ông liên hệ với các công ty/cửa hàng cung cấp vật tư thì đều nhận được bảng giá mới, tăng cao hơn so với trước giãn cách, chẳng hạn giá các thiết bị điện của hãng Panasonic tăng từ 3-5% so với thời điểm tháng 5/2021, các vật liệu khác như cát, đá, xi măng, gạch… giá còn tăng cao hơn.

“Chỉ trong 3 tháng mà sản phẩm gạch ống dùng để xây dựng tăng từ 850-900 đồng/viên lên 1.100-1.200 đồng/viên. Như vậy, riêng tiền gạch xây dựng cho một công trình nhà phố có kích thước 4 x18 m, 3 tầng, sẽ tăng từ 54 triệu đồng lên 72 triệu đồng”, ông Nam nói và chia sẻ thêm, với những công trình chưa triển khai thì nhà thầu có thể ngồi lại với chủ nhà để thương thảo, còn những công trình đang trong quá trình xây dựng thì sẽ rất khó cho nhà thầu.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, ngoài việc giá nguyên vật liệu tăng cao thì hiện nay, nhiều công trình vẫn chưa thể thi công trở lại do thiếu lao động. Một nhà thầu thi công công trình tại quận 8, TP.HCM cho hay, để duy trì quân số 30% cho mô hình “3 tại chỗ” trước đó, phần nhiều người lao động của nhà thầu này đã phải tạm nghỉ việc và trở về quê. Hiện nay, số công nhân này chưa thể quay trở lại để tiếp tục công việc.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, với ngành xây dựng, việc đưa công nhân trở lại làm việc là không dễ dàng, nguyên do bởi đặc thù của ngành là sử dụng 70-80% lượng nhân công là lao động tự do ở các tỉnh, không có hộ khẩu tại nơi có công trường, trong khi việc kiểm soát người ra vào giữa các khu vực vẫn rất chặt chẽ, tốn kém chi phí, chưa kể tâm lý e ngại trở lại vùng có dịch để làm việc.

“Ngoài ra, nhiều nhà thầu không có trụ sở đăng ký ở địa phương nơi có dự án, nên trong quá trình xem xét tiêm vắc-xin lực lượng công nhân xây dựng chưa được ưu tiên, nên giờ nhà thầu cũng không biết bấu víu vào đâu”, ông Hiệp nói.

Giá căn hộ dự báo sẽ tiếp tục tăng. Ảnh: Việt Dũng

… đẩy giá nhà tiếp tục tăng

Thực tế, giá trị bất động sản được hình thành từ 4 yếu tố gồm tiền đất, tiền xây dựng, chi phí vốn, chi phí quản lý và các yếu tố này đều đã tăng lên trong thời gian qua. Theo chia sẻ của các chủ đầu tư, chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm từ 40-70% tổng dự toán. Vì thế, chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chính là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã làm cho chi phí xây dựng tăng từ 1,25-1,4 lần, từ đó gây áp lực lên giá nhà.

Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc COPiHOME cho biết, việc tăng giá các loại vật liệu xây dựng và thiếu hụt lao động của các nhà thầu sẽ làm gián đoạn tiến độ của các công trình, từ đó dẫn đến tình trạng đội vốn. Khi đó, chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu muốn tiếp tục triển khai dự án.

“Nếu các vấn đề giá nguyên vật liệu tăng và thiếu hụt nhân công không sớm được giải quyết thì dự án sẽ khó đảm bảo tiến độ thi công, dẫn tới suy giảm nguồn cung trên thị trường, từ đó trực tiếp tác động đến giá bán. Trong tương lai, các nhà đầu tư sẽ rất thận trọng, xem xét kỹ lưỡng các danh mục đầu tư trước khi triển khai vốn cho các khoản đầu tư bất động sản”, ông Phi nhấn mạnh.

Thông tin về giá bán, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam cho hay, trong quý III/2021, giá bán sơ cấp trung bình của nhà liền thổ ở thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận đạt 2.913 USD/m2, tăng 15,7% theo năm và tăng nhẹ 2,2% theo quý. Tuy nhiên, đối với các dự án tích hợp quy mô lớn được đầu tư bài bản ở Đồng Nai, mức tăng lên đến 4-7% theo quý.

Với thị trường căn hộ, tất cả các phân khúc đều ghi nhận giá bán tăng. Trong đó, phân khúc hạng sang tăng nhiều nhất, ở mức 8% theo năm nhờ dự án Grand Marina và giai đoạn tiếp theo của The River mở bán trong năm 2021, các phân khúc còn lại có mức tăng trung bình từ 2-4%.

Nhận định diễn biến giá trong quý IV/2021, bà Dung cho rằng, giá sơ cấp sẽ tiếp tục đà tăng khi lượng cầu tăng ổn định và quỹ đất nội thành ngày càng khan hiếm. Giá chào bán sơ cấp của phân khúc cao cấp và trung cấp dự kiến tăng trong khoảng từ 3-7% theo năm. Phân khúc hạng sang sẽ đạt mức tăng cao nhất 7-8% nhờ các dự án căn hộ có thương hiệu sắp ra mắt, trong khi giá phân khúc bình dân sẽ không có nhiều biến động do thiếu nguồn cung mới

“Còn tại thị trường căn hộ, giá mở bán mới dự kiến tiếp tục tăng trong quý cuối năm dưới sức ép thiếu hụt quỹ đất và chi phí vật liệu xây dựng leo thang. Mức giá tăng khiến nguồn cầu đang dần chuyển dịch ra xa khu vực trung tâm với giá cả hợp túi tiền hơn. Xu hướng này ngày càng rõ nét trong bối cảnh thu nhập giảm sút do tác động của đại dịch”, bà Dung nhận định.

Diễn biến 'lạ' của thị trường căn hộ chung cư TP Hồ Chí Minh sau nới lỏng giãn cách

Diễn biến 'lạ' của thị trường căn hộ chung cư TP Hồ Chí Minh sau nới lỏng giãn cách

Thị trường căn hộ chung cư TP.HCM do ảnh hưởng lớn của dịch bệnh khiến nguồn cung giảm, nhu cầu giảm nhưng thị trường sơ cấp vẫn tăng giá. Dự báo khi dịch được kiểm soát, giá bất động sản sẽ tiếp tục xu hướng tăng...

Theo Đầu tư chứng khoán

Kiến nghị dừng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét không nên tiếp tục đề xuất “quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn” trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tới đây.

Hạn chế 'doanh nghiệp sân sau', 'doanh nghiệp thân hữu'

Trong số những điểm sáng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là thực hiện đấu giá, đấu thầu và hạn chế giao đất, cho thuê đất góp phần minh bạch hóa thị trường đất đai, hạn chế các doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu đầu cơ, trữ đất.

Lãi suất giảm, có sẵn tiền tỷ, nên đầu tư bất động sản khu vực nào?

Lãi suất có xu hướng giảm, sẵn tiền tỷ, muốn đầu tư bất động sản nên lựa chọn sản phẩm ra sao, khu vực nào tiềm năng lúc này?

Giá đất bồi thường tăng, sắp thu hồi dự án trên 'đất vàng' của Bitexco

Thu hồi dự án khu ‘tứ giác vàng’ của Bitexco, khảo sát người dân lý do chưa được cấp giấy chứng nhận, dân chung cư liên tục bị cắt nước, giá đất bồi thường tăng, câu chuyện về thu nhập và giá nhà… là những tin tức đáng chú ý tuần qua.

CapitaLand đàm phán 1,5 tỷ USD mua một phần dự án Vinhomes

Theo nguồn tin của Reuters, CapitaLand đang xem xét mua một phần dự án Vinhomes Ocean Park 3 của Vinhomes ở Hà Nội hoặc một dự án khác ở phía Bắc TP Hải Phòng.

Người Việt thu nhập 169 năm mới mua được nhà mặt phố, hơn 20 năm mua căn hộ chung cư

Với mức thu nhập ước tính hiện nay và nếu dành toàn bộ thu nhập để mua nhà, người dân tại Hà Nội và TP.HCM phải mất 169 năm để mua được nhà mặt phố, hơn 20 năm để mua căn hộ chung cư.

Những biệt thự 'ma' lạnh lẽo ở Hà Nội

Sau 15 năm xây triển khai xây dựng, Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn dở dang, không thể hoàn thiện. Hơn trăm căn biệt thự đẹp như mơ bị bỏ không, xung quanh vắng bóng người.

Bộ trưởng Xây dựng: Quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ

"Dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chính quyền quận 1 lên tiếng trước chủ trương thu hồi 'dự án vàng' Khu Mả Lạng

Liên quan tới dự án Mả Lạng, TP.HCM sẽ thu hồi các quyết định thu hồi đất, đồng thời, cơ quan chuyên môn sẽ đề xuất phương án thực hiện dự án trong quý II/2023.

Giá chung cư sẽ giảm nếu chỉ sở hữu có thời hạn?

Nhiều người nghĩ chung cư sở hữu có thời hạn giá rẻ hơn chung cư sở hữu lâu dài. Nếu thông qua quy định chung cư sở hữu có thời hạn, giá chung cư có giảm không?