Học cách bảo quản thực phẩm tươi lâu trong tủ lạnh, chị em sẽ 'giật mình' với 1 lỗi sai thường xuyên mắc phải
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người lo ngại hàng hóa khan hiếm nên cố mua thật nhiều thực phẩm để tích trữ. Tuy nhiên, nếu không biết cách bảo quản thì thực phẩm dễ bị thối hỏng, ảnh hưởng sức khỏe.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với PV Infonet về tình trạng tích trữ thực phẩm mùa dịch, PGS. PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia hoá thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Có khi không mắc Covid-19 mà lại dính bệnh đường ruột do ăn phải thực phẩm ôi thiu. Do đó mặc dù rất cần thiết phải mua nhưng nên chọn lựa thực phẩm và bảo quản an toàn".
Ngoài khuyên người dân không nên mua hàng quá nhiều, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh hướng dẫn các chọn mua và bảo quản thực phẩm như sau:
Đối với nhóm thực phẩm khô nên ưu tiên các loại gạo, mỳ các loại, cá khô, tôm khô hoặc đồ mặn (cá muối, thịt muối). Đây là những đồ dễ bảo quản, để được lâu.
Đối với thực phẩm tươi sống như rau, thịt cá, tôm… vẫn dùng hằng ngày, trong tình hình nguồn cung ít, nhu cầu nhiều, bà con rất dễ mua phải hàng kém chất lượng. Do đó, khi lựa chọn những thực phẩm này người dân phải thận trọng.
Sau khi mua được hàng, cần bảo quản thực phẩm đúng cách để có thể sử dụng được lâu hơn.
Theo đó, các loại thịt tươi sống sau khi mua về cần khẩn trương sơ chế, cắt thành từng miếng vừa ăn theo nhu cầu của gia đình, rửa sạch, để ráo nước rồi để vào những hộp hoặc túi nilon đưa vào bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh.
Lưu ý là thực phẩm sau rửa sạch phải được để ráo nước vì nếu còn nước sẽ vừa tốn nhiệt khi cấp đông lại vừa là môi trường nước đọng giữ vi khuẩn.
Việc cất trữ cũng cần lưu ý sắp xếp theo trật tự hoặc đánh dấu ngày đưa vào tủ lạnh nhằm tiện sử dụng theo nguyên tắc thức ăn nào mua trước ăn trước, mua sau ăn sau.
“Tránh để lộn xộn đến lúc đồ mua sau ăn trước còn đồ mua trước lại ăn sau, thậm chí đến khi sờ đến thì đã quá lâu không ăn được. Cách dễ nhất là món nào ăn trước để lên trên, ăn sau để xuống dưới. Trước khi ăn thì đưa từ ngăn đá sang ngăn mát rã đông từ từ”, PGS Thịnh hướng dẫn.
Theo ông Thịnh, thịt, cá tươi có thể để được 2-3 tuần trong ngăn đá có độ lạnh sâu -12 độ, thậm chí có thể để được lâu hơn (1 tháng) đối với những tủ lạnh có độ lạnh sâu lên đến -18 độ.
Khi lấy thực phẩm trong ngăn đá ra rã đông thì nên dùng hết một lần, tránh rã đông xong lại cấp đông lại sẽ làm thực phẩm chóng hỏng.
Đối với rau củ, nên ưu tiên chọn những loại như su hào, cải bắp, bí xanh, bí đỏ… sẽ để được lâu hơn.
Đối với những loại rau lá, cần lưu ý cách sơ chế, bảo quản để sử dụng được lâu hơn.
Theo đó, sau khi mang rau về nên nhặt sạch, để khô, không rửa, chia thành các bó nhỏ vừa ăn, gói giấy hoặc để túi nilon cất vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Với những loại rau nhiều đất cát buộc phải rửa thì cần nhẹ nhàng không làm dập nát, để ráo nước mới cất trữ vào tủ lạnh.
Nhiều chị em chia sẻ cách gói giấy báo kín giúp rau để được lâu hơn, nhưng ông Thịnh cho rằng “rau cũng phải để hở cho thở” nên việc gói kín bằng giấy báo không có tác dụng như mong muốn.
“Dùng giấy báo chỉ là tình huống cực chẳng đã, bởi báo thấm nước sẽ mủn ra, chưa kể trong giấy báo có mực in chứa chì không tốt cho sức khỏe. Về nguyên tắc thực phẩm không dùng giấy báo để gói”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Hiện nay trên thị trường có bán nhiều loại giấy/túi giấy gói hàng (rất dai, màu nâu, không in chữ), bà nội trợ nên sử dụng loại này để bảo quản rau.
Trong trường hợp không có điều kiện sử dụng túi giấy gói hàng, ông Thịnh hướng dẫn chị em có thể tận dụng những túi nilon đựng đồ trước đó rồi cắt những lỗ nhỏ, cho rau vào, buộc hờ xếp lần lượt vào ngăn rau để dùng dần.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân nên chọn cách nấu ăn tại nhà, hạn chế sử dụng những đồ ăn làm sẵn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường sức đề kháng để vượt qua dịch bệnh.
N. Huyền