MV gây tranh cãi của Sơn Tùng: 'Trẻ đang tổn thương sẽ không đủ mạnh mẽ để nhận định được mọi vấn đề như người lớn'
Bà Phạm Thị Minh Hiền cho rằng hình ảnh trong MV mới của Sơn Tùng là một sản phẩm không nên được phát hành trong thời điểm hiện nay.
MV "There is no one at all" - ca khúc tiếng Anh đầu tiên trong sự nghiệp của Sơn Tùng M-TP được phát hành trên Youtube tối 28/4. MV thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, nhanh chóng giữ vị trí số 1 top thịnh hành trên Youtube.
MV kể lại một câu chuyện thật buồn về một cậu bé bị bỏ rơi từ nhỏ, lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu và thấu cảm của những người xung quanh, để rồi trở thành một thiếu niên giận dữ, đau khổ và cô đơn.
Kết thúc MV, cậu bé chạy trốn khỏi tất cả mọi thứ, đứng trước vực sâu, rơi một hàng nước mắt và quyết định nhảy xuống dưới.
Nội dung và hình ảnh của MV đã gây phản ứng dữ dội trên MXH. Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự phẫn nộ khi cho rằng hình ảnh MV có tính chất cổ xuý cho hành vi tiêu cực, tự tử. Nhất là khi Sơn Tùng lại là một ca sĩ có rất nhiều fan là các bạn trẻ.
Bà Phạm Thị Minh Hiền |
Chia sẻ với phóng viên Infonet, ĐBQH khoá XIV, PGĐ Sở LĐTB &XH tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền cho biết, dùng các sự kiện đau buồn trầm cảm của con người để tạo cảm xúc thăng hoa, cổ xúy hình ảnh tiêu cực trong sản phẩm âm nhạc là “sai quá sai”. “Nghệ thuật gì mà phản cảm như thế?”, bà Hiền gay gắt nói.
Cũng là phụ huynh có con trong độ tuổi thần tượng Sơn Tùng, bà Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ lo lắng cho những bạn trẻ đang bị tổn thương bởi các vấn đề xã hội do tác động của đại dịch.
“Chúng nhìn vào thần tượng và xem đó là một sự kết thúc cho những tổn thương là điều không nên. Mỗi người sẽ có quan điểm riêng từ hình ảnh cái kết của MV. Mỗi một sản phẩm/tác phẩm nghệ thuật đều có thông điệp truyền tải hoặc chỉ đơn giản là mang cảm xúc chân thật đến cho người xem.
Thế nhưng trong lúc liên tiếp có những vụ nhảy lầu đau lòng xảy ra, những thông điệp nếu truyền tải không khéo sẽ bị hiểu theo cách tiêu cực, bởi sau đại dịch, trầm cảm lo âu là những hội chứng đang phát mạnh.
Những đứa trẻ có tâm hồn non nớt hoặc đang bị tổn thương sẽ không đủ mạnh mẽ nhận định được mọi vấn đề như người lớn chúng ta. Tôi chỉ tiếp cận với vai trò người làm công tác xã hội và cho rằng hình ảnh trong MV ấy là một sản phẩm không nên được phát hành trong thời điểm hiện nay”, bà Phạm Thị Minh Hiền nhận định.
Trước câu hỏi "Làm cách nào để bảo vệ trẻ không bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực tương tự như MV của Sơn Tùng gây bão mạng thời gian qua?", bà Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là các bậc phụ huynh phải quan tâm, tôn trọng cảm xúc của con.
“Trong giai đoạn thay đổi về tâm sinh lý, mỗi người sẽ có những phản ứng thể hiện cảm xúc khác nhau, vì thế trước một tình huống cụ thể, cha mẹ nên tỏ ra tôn trọng phản ứng của con mình.
Quan tâm, theo dõi và trò chuyện để khuyên giải con nếu thấy những phản ứng hoặc sự tham gia của con có phần tiêu cực, chưa chuẩn.
Khi trẻ có dấu hiệu đang gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng, cha mẹ cần quan tâm và dành thời gian quan sát con để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường. Tuyệt đối không nên đổ lỗi, không mang tư duy là nạn nhân để trò chuyện với con, định hướng con bằng cách khéo léo đặt ra nhiều góc nhìn (nguyên nhân) đa chiều để phân tích cho con hiểu không nên có suy nghĩ phiến diện hoặc tiêu cực trước các thông tin trên mạng xã hội hoặc từ các sản phẩm mang tính xu hướng của giới trẻ hiện nay.
Với những đứa trẻ nhạy cảm, cha mẹ cần nhận biết để xác định trẻ sẽ rất dễ tổn thương. Từ đó cha mẹ có hành xử đúng đắn bằng tình yêu thương với bất kỳ đứa trẻ nào, ở giai đoạn phát triển nào cũng cần sự thấu hiểu, kiên nhẫn và tôn trọng”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho hay.
Theo đó, sau khi xem xét, Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận thấy nội dung biểu diễn của bản ghi âm, ghi hình MV này mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, nhất là trẻ em.
Do đó, Cục nhận định MV trên có dấu hiệu vi phạm lệnh cấm tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn, cụ thể: Cấm sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Vì vậy, Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định phải ngay lập tức dừng lưu hành MV này, đồng thời đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình There is no one at all theo Nghị định 38/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Về phía Bộ Thông tin Truyền thông, trả lời báo chí, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Cục đã trao đổi và đi đến thống nhất với Cục Nghệ thuật Biểu diễn là sẽ dừng phổ biến MV này trên mạng và có hướng xử lý các nghệ sĩ vi phạm. Theo ông, ngoài việc vi phạm khoản 4, Điều 3, Nghị định 144/2020/NĐ-CP, MV này cũng vi phạm cả quy tắc ứng xử của nghệ sĩ mà Bộ VHTT&DL mới ban hành.
N. Huyền