Vợ 2 lần sinh mổ con gái mà chồng vẫn muốn có con trai với câu nói vô tình: "Để 1,2 năm tính tiếp"
Mỗi ngày, chị Hà đều đối diện với áp lực sinh con đẻ cái. Năm trước, chị xin nghỉ ở nhà 6 tháng kèm theo khoản tài chính 200 triệu đồng để canh con trai nhưng đã thất bại.
Chị Đỗ Thu Hà (31 tuổi, ở Linh Đàm, Hà Nội) than thở rằng chồng chị là con trai duy nhất của gia đình trưởng họ. Sau 3 năm kết hôn, chị Hà sinh liền hai bé gái. Vậy nên chị vô cùng áp lực trước sức ép phải sinh con trai nối dõi tông đường.
Hiện tại mỗi lần đối diện với gia đình bên chồng, chị lại nghe điệp khúc: “Cô cậu sinh thêm con đi, chúng nó lớn rồi”. Chị Hà biết mình sẽ phải cố sinh thêm con thứ 3 nhưng đó là con trai hay con gái thì không thể quyết định được.
Sau nhiều năm đi làm gom góp được một khoản tiền tiết kiệm, hai vợ chồng chị Hà dự tính dùng tiền đó để can thiệp sinh con theo ý muốn theo những thông tin trôi nổi trên mạng.
Năm ngoái, chị Hà xin nghỉ không lương nửa năm chỉ để sinh con trai cho nhà chồng. Tuy nhiên, dùng gần 200 triệu để làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng chị Hà đã thất bại sau hai lần đặt phôi. Chán nản cộng thêm nỗi sợ mỗi lần chọc trứng, chị Hà cảm thấy cuộc sống ngày càng mệt mỏi hơn.
Chồng chị không ép vợ phải sinh con ngay nhưng lại bảo "vợ nghỉ ngơi 1,2 năm rồi tính tiếp". Vậy nên dù chị đã sinh mổ 2 lần nhưng không đủ dũng cảm để từ chối hoặc đưa ra ý kiến của mình. Chị cảm thấy mình bị bạo lực tinh thần mà không thể chia sẻ với ai.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Tuyền (27 tuổi, ở Xuân Mai, Hà Nội) cũng đang rơi vào áp lực sinh con. Chị Tuyền vốn là cố gái vô cùng xinh xắn nhưng sau khi sinh liên tiếp hai bé, chị trở nên mập mạp, sồ sề với cân nặng cán mốc 60kg.
Hằng ngày chị Tuyền phải đầu tắt mặt tối làm việc, chăm con nhưng vẫn phải lên kế hoạch mang bầu lần 3 để có được con trai theo như đúng mong muốn của chồng và gia đình chồng.
Có thêm con là niềm vui nhưng áp lực sinh con trai lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người phụ nữ. Cuộc sống sau khi kết hôn khác xa những điều mà chị Tuyền đã tưởng tượng khi còn yêu nhau. Mỗi ngày chị đều nghe về việc nhà này đẻ con trai, nhà kia thêm con gái khiến tinh thần vô cùng stress.
Ảnh minh họa |
Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường – BV Phụ Sản Hà Nội cho biết anh cũng gặp rất nhiều trường hợp phụ nữ bị áp lực khi rơi vào cảnh cố có con trai cho gia đình chồng mà họ không biết cách từ chối như thế nào. Nhiều chị em cũng xin tư vấn bác sĩ làm sao để từ chối hay làm sao để gia đình không ép việc sinh thêm con trai.
Theo bác sĩ Cường, thứ duy nhất bình đẳng với tất cả mọi người là thời gian, mỗi người đều có một tài sản như nhau là 24h mỗi ngày và cũng chỉ có ngót nghét 20-25 năm để sống trong khỏe mạnh và hết mình. Hầu hết chúng ta sẽ thất bại khi cố gắng làm tốt tất cả mọi việc.
Thế nhưng chị em phụ nữ lại ít biết từ chối. Nếu không biết mình muốn điều gì, cái gì quan trọng nhất, biết từ chối những điều không muốn,... thì cuộc sống ít có ý nghĩa với bản thân.
Việc từ chối sinh con theo ý muốn của gia đình thực sự không phải là loại bỏ, phủ định ý kiến, giá trị của người khác mà là khẳng định những điều mình quan tâm, giá trị của bản thân để đạt được sự đồng thuận của người thân thay vì chị em cứ âm thầm chịu đựng và không nói lời từ chối.
Bác sĩ Cường cho rằng việc sinh thêm con là niềm vui nhưng chị em đừng biến nó thành áp lực cho chính mình. Mấu chốt của lời từ chối tích cực là sự tôn trọng với chính bản thân mình và những thứ quan trọng với mình.
Mọi người có thể chia sẻ những mong muốn của bản thân, thảo luận để cả hai vợ chồng đều hiểu cái gì đang là quan trọng với đối phương và với bản thân dựa trên nền tảng cơ bản sức khoẻ, gia đình.
Sinh con cho người yêu xong, anh không hỏi cưới mà đưa ra đề nghị sốc óc
Khi tôi mẹ tròn con vuông, sinh được một bé trai kháu khỉnh, T bế con mà nước mắt rơm rớm. Nhìn cảnh tượng ấy trong lòng tôi ngập tràn hạnh phúc.
K.Chi