Công chúa Việt có số phận éo le bậc nhất: Mang thai 3 tháng thì bị mẹ đẻ ép cưới em chồng
Đang sống hạnh phúc cùng chồng thì bị ép buộc phải lên xe hoa cùng người khác, đó là quãng thời gian nhiều nỗi đau của Công chúa Thuận Thiên.
Trong các bộ phim lịch sử cổ trang, bình thường, các cô gái không muốn vào cung hầu hạ Hoàng đế sẽ nhanh chóng gả chồng. Một người phụ nữ đã có chồng có con đương nhiên không bị ép gả thêm nữa. Thế nhưng trong lịch sử, có một vị Công chúa không được quyết định những điều tưởng như thường tình đó.
Nàng Công chúa lên xe hoa năm 7 tuổi
Công chúa Thuận Thiên là con gái trưởng của vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, bà sinh năm 1216:
“Mùa hạ, tháng 6, hoàng trưởng nữ sinh ở bãi Cửu Liên, sau phong làm Công chúa Thuận Thiên”.
Ngay từ trong bụng mẹ, cuộc đời bà đã lắm nỗi bi ai khi chính thời gian ấy diễn ra cuộc giằng co quyết liệt giữa mẹ đẻ bà và bà nội.
Khi đó, Đàm Thái hậu cho rằng Hoàng hậu Trần Thị Dung là vây cánh của gia tộc họ Trần âm mưu lật đổ nhà Lý. Bởi thế, Thái Hậu nhiều lần tìm cách giết hại con dâu và cháu gái bằng thuốc độc.
Thương vợ, vua Lý Huệ Tông tìm cách ngăn chặn âm mưu. Ông sắp xếp để vợ rời cung lâm bồn và trên đường đi đã sinh Công chúa Thuận Thiên ở Cửu Liên Châu (tả ngạn sông Hồng) ngày nay.
Ngay từ khi còn nhỏ, Thuận Thiên Công chúa đã có hôn ước với Phụng càn Vương Trần Liễu. Khi đó, Lý Huệ Tông cho rằng để con gái gả cho một võ tướng mới có thể yên ấm, ngăn chặn được âm mưu nhà Trần lật đổ nhà Lý.
Khi mới 6-7 tuổi, Thuận Thiên đã phải thực hiện lời hứa hôn rồi kết hôn với Trần Liễu. Thời gian này, Thuận Thiên vô cùng hạnh phúc vui vẻ vì được cả gia đình chồng đối xử rất chu đáo. Vợ chồng ân ái, hạnh phúc bên nhau.
Biến cố cuộc đời bắt đầu khi vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho em gái bà là Công chúa Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) lên ngôi Hoàng Đế năm 1224. Kiên Gia Hoàng Hậu Trần Thị Dung - mẹ đẻ của họ trở thành Thái Hậu.
Sau này, Lý Chiêu Hoàng cũng bị mẹ đẻ và Thái sư Trần Thủ Độ gả cho Trần Cảnh - em trai Trần Liễu. Khi đó hình thành nên thái cực hai chị em Công chúa nhà Lý lấy hai anh em ruột họ Trần.
Sau khi kết hôn với Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng cũng dần dần bị ép phải nhường ngôi cho chồng. Nàng trở thành Chiêu Thánh Hoàng hậu.
Cuộc đời của Thuận Thiên Công chúa cũng dần dần trôi nổi theo cuộc đời cô em gái Lý Chiêu Hoàng.
Cuộc đời bi kịch khi đang mang thai lại phải lấy em chồng
Trở thành Hoàng hậu, năm 1232, khi 14 tuổi, Lý Chiêu Hoàng hạ sinh Thái tử Trần Trịnh nhưng vì ốm yếu nên mất sau đó không lâu.
Có lẽ vì thương xót con cùng với thể chất yếu ớt, một thời gian dài sau đó bà không thể mang thai. Điều này khiến cho Thái sư và Thái hậu vô cùng lo ngại cho việc nối ngôi của dòng dõi nhà Trần.
Trần Thủ Độ quyết định ép vua Trần Thái Tông truất ngôi hậu của Chiêu Thánh và lập Công chúa Thuận thiên lên thay.
Theo Việt Sử lược, sau khi cưới Trần Liễu, năm 1237, Thuận Thiên đang mang thai đứa con thứ 2 được 3 tháng. Vậy mà mẹ đẻ Thái hậu Trần Thị Dung và Thái sư Trần Thủ Độ cũng không tha.
Biết tin, Thuận Thiên vô cùng đau đớn vì tình hình éo le hiện tại. Bà đang mang thai với chồng nhưng bị chính mẹ đẻ phải ép lấy em chồng. Trong khi đó, vợ của em chồng hiện tại lại là em ruột bà. Thế nhưng vào thời điểm ấy, bà đâu có quyền phản kháng.
Trần Thái Tông biết chuyện đã phản đối quyết liệt, đang đêm bỏ trốn khỏi kinh thành lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử nương nhờ. Trần Thủ Độ lên gặp vừa dỗ dành vừa gây sức ép, buộc vua tuân theo.
Lý Chiêu Thánh từ Công chúa lên ngôi vua, xuống làm Hoàng hậu bây giờ lại tiếp tục bị trở lại thành Công chúa. Bà đau đớn u uất, đồng thời hiểu lầm chuyện chị gái nhẫn tâm cướp chồng mình. Không lâu sau, Lý Chiêu Thánh xin xuất cung để xuất gia.
Về phần Trần Liễu, bỗng chốc bị cướp mất người vợ đang mang thai thì vô cùng phẫn nộ. Ông hội quân ở sông Cái làm loạn nhưng bị thua, thuộc hạ bị Trần Thủ Độ ra lệnh giết chết. Sau này, Trần Liễu bị thu hết thực quyền, buộc phải yên ổn làm một Vương gia.
Khâm định Việt sử Thông giám cương mục phê về sự việc trên: “Phong hóa nhà Trần không nghiêm chỉnh, lại tệ hơn phong hóa nhà Đường ở Trung Hoa.
Nhưng bấy giờ Thái Tông hãy còn thơ ấu, mà Thủ Độ là người rất ngoan cố, phàm việc gì cũng do hắn chỉ sử. Thái Tông không theo cũng không được.
Thế mà sử thần chỉ trích riêng Thái Tông, như thế chưa phải là lời phê công bằng”.
Sau khi bị buộc lấy em chồng, Thuận Thiên Công chúa được lập thành Hiển từ Thuận Thiên Hoàng hậu. Không lâu sau, bà sinh ra người con trai tên Trần Quốc Khang. Đây thực chất là con của Trần Liễu bởi khi lên ngôi Hậu, bà đang mang thai.
Năm 1240, bà tiếp tục sinh Hoàng tử Trần Hoảng - con trai đầu tiên của vua Trần Thái Tông. Sau này chính là vua Trần Thánh Tông. Tiếp đó 6 năm, cậu con trai thứ 3 chào đời. Đây chính là Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải.
Dù có số phận éo le và cuộc đời đưa đẩy vào bi kịch nhưng Thuận Thiên Hoàng hậu có quyền tự hào vì những người con bà sinh ra đều thông minh tài giỏi và danh tiếng lẫy lừng.
Năm 1248, Thuận Thiên Hoàng hậu qua đời khi mới chỉ 32 tuổi. Sau này, khi con trai lên làm Hoàng đế, bà được truy tôn thành Thuận Thiên Hoàng thái hậu.
Điều đặc biệt là mặc dù bà đã trở thành vợ vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh nhưng ở ấp A Sào (nay là xã An Thái, Quỳnh Phụ, Thái Bình), miếu thờ bà vẫn được lập cạnh đền thờ của người chồng đầu Trần Liễu.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Việt Sử lược
Chuyện lịch sử về ‘hoàng hậu hai triều’ Dương Vân Nga
Cuộc đời Hoàng hậu Dương Vân Nga đi bên cạnh hai hoàng đế, ở vị trí nào bà cũng làm tròn vai trò của người vợ, bậc mẫu nghi thiên hạ, đóng góp không nhỏ cho sự thịnh trị của hai vương triều Đinh – Tiền Lê.
Theo Nhịp sống Việt