Gia đình 7 đời gìn giữ ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi ở Thanh Hóa
Ông Phạm Ngọc Tùng, chủ nhân căn nhà cho biết, ông là đời thứ 7 của dòng họ Phạm, hiện cả gia đình ông sinh sống trong căn nhà cổ này.
Căn nhà được xây dựng vào năm 1810. Chủ nhân đầu tiên của căn nhà là ông cụ Bát (cụ tổ của ông Tùng) làm chức quan hàng Bát phẩm của triều đình nhà Nguyễn.
Là đời thứ 7, ông Tùng nghe kể lại, để xây dựng được căn nhà gỗ này, cụ Bát đã thuê những thợ giỏi nhất của tỉnh Nam Hà cũ (nay thuộc tỉnh Hà Nam) về làm.
Căn nhà chủ yếu làm bằng gỗ, có chiều rộng 9,8m, dài 21,5m, cao 5m, gồm 7 gian. Có 3 gian chính và 4 gian phụ, 3 gian giữa là khu thờ và sinh hoạt chung.
Tổng thể căn nhà có 27 cột lớn, nhỏ và có 3 cửa chính với 12 cánh. Trên các vì, kèo, giá chiêng của căn nhà được chạm trổ rất tinh xảo với hoa văn trang trí gồm tứ linh (long, ly, quy, phụng) và tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai). Với lối kiến trúc độc đáo, căn nhà luôn thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Trải qua thời gian, một số hạng mục của ngôi nhà bị xuống cấp. Tháng 9/2002, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp, trùng tu trên nguyên tắc đảm bảo tính nguyên bản.
Sau thời gian trùng tu, ngôi nhà được UNESCO công nhận là một trong 10 nhà cổ dân gian có kiến trúc tiêu biểu nhất của Việt Nam.
Ngôi nhà tọa lạc chỉ cách cổng phía Tây của di sản Thành nhà Hồ vài trăm mét, nơi đây cũng là điểm đến yêu thích của du khách khi đến với Thành nhà Hồ.
Một số hình ảnh ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi bên di sản Thành nhà Hồ: