Con gái vỡ nợ 3 tỷ bị nhà chồng đuổi khỏi cửa, mẹ U80 khóc than xin bán đất
Con gái bị lừa
Chị P.T.H. (SN 1991, Thanh Hóa) là kỹ thuật viên xét nghiệm ở bệnh viện huyện, công việc và thu nhập ổn định. Một ngày, thông tin chị vỡ nợ hơn 3 tỷ đồng lan ra khiến nhiều người bàng hoàng.
Chị cùng 1 nhóm người nữa bị lừa tham gia làm nhiệm vụ trên mạng. Công việc nhẹ nhàng, mỗi ngày chị chỉ cần 1-2 giờ nhập xuất size số quần áo nhằm mục đích tăng tương tác cho website của hãng. Dần dần, chị bị cuốn vào hàng loạt chiêu trò và mất tiền. Số tiền chị vay nóng "xã hội đen" hơn 3 tỷ đồng hoàn toàn không có khả năng chi trả.
Gia đình chồng biết chuyện nhất quyết đuổi chị ra khỏi nhà. Trong lúc buồn bã nhất, cảm thấy cô đơn nhất, chị H. lang thang và mất lái đâm vào gốc cây nằm ngất ở ven đường.
May mắn có người đi qua phát hiện đưa chị đi cấp cứu kịp thời. Bố mẹ đẻ chị ở vùng quê nghèo tỉnh Thanh Hóa nghe tin con gái bị nạn vội vàng bắt xe ra thăm con. Tới nơi thấy con gái nằm trong phòng cấp cứu không người thân chăm sóc, bố mẹ chị không kìm được lòng.
Lúc biết được lý do khiến con gái bị nhà chồng đối xử như vậy, mẹ chị H. chỉ còn biết khóc ròng tìm đến nhà thông gia van xin, mong ông bà đừng đuổi con dâu ra khỏi nhà. Hai ông bà hơn 70 tuổi hứa sẽ về quê bán đất, đi vay để lấy tiền trả nợ cho con gái.
Đàn ông cũng có phút yếu lòng
Anh B.M.L. (SN 1995, Ninh Bình) làm việc xa nhà. Ở quê, vợ anh trở thành trụ cột gia đình, thay chồng đối nội đối ngoại và chăm sóc con cái.
Trước đây, trong một lần say rượu anh L. lái xe gây tai nạn. Để giải quyết các thiệt hại sau vụ tai nạn đó, anh phải bồi thường hơn 1 tỷ đồng. Khoản nợ đó, cả hai vợ chồng anh đồng lòng gánh vác. Thương vợ vất vả, anh tu chí làm ăn và cố gắng chi tiêu tằn tiện. Anh L. còn xin đi làm thêm, bán hàng tại căng tin để có thêm đồng ra đồng vào gửi về cho gia đình.
Một hôm, sau bữa cơm chiều, anh nhận được tin nhắn mời chào qua điện thoại từ một số điện thoại lạ. Tò mò, anh bấm thử vào đường link rồi được hướng dẫn tham gia vào một nhóm làm việc trên mạng. Công việc nhẹ nhàng, chỉ cần mỗi ngày anh dành thời gian từ 1-2 giờ vào mạng tham gia cùng nhóm. Vẫn kịch bản tương tự như những vụ lừa đảo trên mạng khác, anh L. bị dẫn dụ rơi vào bẫy làm nhiệm vụ.
Vì không có tiền trong tài khoản, anh vay bạn bè. Người cho vay vài triệu, người cho vay 10 triệu đồng. Anh còn gọi về vay tiền em gái ở quê để giải quyết việc gấp và dặn em không được nói với chị dâu.
Khoản tiền “cuối cùng” anh phải nộp để được rút cả gốc và lãi trong trò chơi nhiệm vụ là 98 triệu đồng. Anh đành đi vay nóng tín dụng đen với lãi suất cao. Lúc ấy, anh L. nghĩ đơn giản. Anh cho rằng nạp tiền vào là sẽ được nhận lại cả gốc và hoa hồng, anh sẽ có tiền trả lại mọi người luôn. Tổng cộng, anh vay nợ và mất hơn 200 triệu đồng cho nhóm lừa đảo trên mạng.
Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó. Vì không có tiền trả cho "tín dụng đen", lãi mẹ đẻ lãi con. Chỉ sau 2 tuần anh L. không còn khả năng trả nợ. Nhóm người đó nhắn tin thúc giục, gọi điện làm phiền liên tục. Nếu không giải quyết được khoản nợ này, công việc của anh L. chắc chắn bị ảnh hưởng.
Anh L. đành xin nghỉ phép về quê để thu xếp tiền.
Tình cờ, chị N. vợ anh đọc được tin nhắn của nhóm đòi nợ gửi tới điện thoại. Ban đầu anh vẫn quanh co giấu chị. Đến khi chị biết được cô em chồng và gia đình bên chồng bao che cho việc anh bị lừa mất tiền, chị mất hoàn toàn niềm tin vào chồng và gia đình chồng.
Chị N. một mực nộp đơn ly hôn ra tòa. “Tôi không thể dành cả đời cày cuốc để trả nợ cho những hành động bồng bột của anh được. Hơn nữa, vợ chồng với nhau gần 10 năm mà anh còn không tin tôi, coi tôi như người ngoài thì không có lý do gì tôi phải hy sinh cho anh và gia đình anh cả”, những lời chị N. nói khiến anh L. không thể níu kéo, đành ký vào đơn thuận tình ly hôn.
Bước đường cùng
Ngày 10/11, hình ảnh, video về một phụ nữ nhảy xuống sông từ cây cầu mới xây qua xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ lan truyền mạng xã hội khiến nhiều người xót xa. Nạn nhân là nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ).
Nguyên nhân được đồn đoán là do người này tham gia vào các trò chơi trên mạng dẫn đến mất tiền và trở thành con nợ. Số tiền người này vay nợ hiện vẫn chưa xác định được.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc hệ thống y tế Hùng Vương cho biết: “Rất may nhờ được cấp cứu kịp thời, nữ nhân viên của chúng tôi đã qua cơn nguy kịch. Nhưng hiện tinh thần của bạn ấy vẫn chưa ổn. Bây giờ trên mạng xã hội có rất nhiều cạm bẫy nguy hiểm, làm gì có chuyện dễ ăn, dễ kiếm tiền trên mạng như vậy. Hầu như giao ban nào của bệnh viện tôi cũng quán triệt vấn đề này, thế nhưng không ngờ vẫn có nhân viên của mình mắc phải”.
Nói về nguyên nhân dẫn tới bi kịch của người phụ nữ - nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, ông Học chia sẻ: “Thực tế không phải chỉ một mà có thể còn nhiều trường hợp khác lâm vào cảnh nợ nần giống như nữ nhân viên này, nhưng họ giấu và không chia sẻ với ai. Tôi chia sẻ câu chuyện của bạn đó để mọi người cảnh giác, xin đừng suy đoán và bình luận ác ý”.
Ảnh: NVCC
Mời độc giả gửi câu chuyện của mình hoặc người thân/bạn bè về việc bị lừa đảo trên mạng về địa chỉ mail: bandoisong@vietnamnet.vn. Trân trọng! |