GĐ Bệnh viện Việt Đức nói gì về cam kết không nằm ghép?
Giáo sư Quyết tới thăm bệnh nhân bị tai nạn giao thông dịp Tết Giáp Ngọ. |
Mãi mãi không phải nằm ghép ở BV Việt Đức
Trao đổi về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện đã thực hiện giảm tải từ hơn 10 năm trước.
Những năm 2011 - 2012 bệnh nhân tại viện nằm ghép không khác gì tình trạng năm 2003 - 2004 ở nhiều viện. Ông Quyết cho biết lúc ấy thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm tải nên bằng các biện pháp khác nhau bệnh viện đã thực hiện giảm tải, trong đó có đào tạo cho các bệnh viện vệ tinh. 6 bệnh viện vệ tinh đã thực hiện rất hiệu quả. Ví dụ điển hình là trước đây Bệnh viện Phú Thọ tỷ lệ chuyển tuyến từ 80%, sau khi thực hiện đề án này, tỉ lệ chuyển viện chỉ còn khoảng 20 -25%.
Bằng chứng kiểm nghiệm nữa là Bệnh viện Việt Đức chống quá tải từ xa bằng cách thực hiện tốt đề án 1816 và tăng cường trao đổi kinh nghiệm với tuyến dưới. Như vậy người dân có thể tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế, như vậy cũng giảm tải rất lớn cho bệnh viện.
Từ năm 2003 - 2004 bệnh viện chỉ có 430 giường, đến 2007-2008 đã có 800 giường, và đến bây giờ bệnh viện Việt Đức đã có 1.100 giường. Cuối tháng này, khi khánh thành tòa nhà công nghệ, sẽ có thêm 350 giường nữa, Bệnh viện Việt Đức đã có gần 1.500 giường bệnh.
Hơn nữa bệnh viện lại đang xây dựng cơ sở hai tại Hà Nam, khi đi vào hoạt động cơ sở này sẽ đón bệnh nhân từ khu vực phía nam vì vậy việc giảm tải bệnh viện, ông Quyết khẳng định là “mãi mãi không có chuyện nằm ghép".
Nguồn lực để giảm tải bệnh viện, ông Quyết cho rằng, việc thực hiện xã hội hóa là cơ hội rất tốt cho các bệnh viện phát triển. Bệnh viện Việt Đức không chỉ xã hội hóa về mặt trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân mà bệnh viện còn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Phát triển và KFV của Đức để mua trang thiết bị, xây nhà.
Hiện nay bệnh viện có 1 khu nhà kỹ thuật cao 13 tầng, với thêm 20 phòng mổ, nâng tổng số phòng mổ lên 52 phòng, thêm 350 giường, đủ sức cáng đáng điều trị cho bệnh nhân một cách an tâm, không phải nằm ghép. Và bệnh nhân yên tâm không phải chuyển khi mà bệnh chưa đáp ứng được.
Bắt buộc phải trả bệnh nhân về tuyến dưới
Lấy bằng chứng cho việc hệ thống bệnh viện tuyến dưới, ông Quyết đưa ra bằng chứng năm vừa qua có 3 vụ nổi cộm của ngành ngoại khoa: vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa ở Phú Thọ; sập cầu ở Lai Châu; ô tô lao xuống vực ở Lào Cai. Nhưng khi cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức được điều đến các nơi đó thì gần như các nạn nhân đã được điều trị tương đối tốt. Bác sĩ của bệnh viện Việt Đức về chỉ xử lý những ca khó.
"Khi bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới, người nhà bệnh nhân không nên quá lo lắng. Đảm bảo chúng tôi chuyển bệnh nhân về đâu là nơi đó đủ khả năng điều trị. Còn những bệnh nhân tiên lượng có vấn đề chúng tôi không bao giờ chuyển về.
Bên cạnh đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các tuyến để điều trị cùng như quy định chặt chẽ hiện nay để đảm bảo chuyển tuyến điều trị có hiệu qủa. Ví dụ, một bệnh nhân bị viêm tụy cấp, sau khi điều trị ổn định chúng tôi chuyển về Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội. Nếu có vấn đề gì thì sẽ báo lại chúng tôi.
Hơn nữa, hiện số giường bệnh của Bệnh viện Việt Đức rất nhiều, công suất chỉ sử dụng hết 95% nên người dân hay những nhà quản lý cũng không nên ngại chuyện cho bệnh nhân về mà có những biến chứng đáng tiếc xảy ra” - Ông Quyết khẳng định.